Dân Việt

Giải hạn, gia chủ quỳ lạy khách nhờ... “giết chó“

17/04/2014 15:44 GMT+7
Thầy mo Lựng được mời đến làm lễ giải hạn, mong lời mo huyền diệu sẽ dẫn đường cho gia chủ thanh thản về với tổ tiên.
Khi tôi trở lại xóm Lầm, thấy trên con đường nhỏ hối hả người đi, cùng nhằm về hướng lũy tre xanh ngát cuối xóm. Người Mường hiếu khách, nhưng họ chỉ đáp nhanh lời chào rồi lại cắm cúi đi. Hỏi thăm người nhà mo Lựng, thì ra trong xóm có người già mới mất, bà con bỏ việc nhà mình đến chung tay giúp việc tang ma.

Mo Lựng đang làm đám mát nhà (giải hạn) cho một người thân trong xóm. Muốn theo chân mo Lựng thì không khó, mỗi tháng ông đi mo liên tục, chỉ nghỉ ngơi vài ba ngày cuối tháng. Nhưng ông khuyên tôi nên đợi dịp mo ở ngôi nhà sàn cổ truyền thống, mới thấy chân thực những nghi lễ dân gian.
Khi gia đình nào trong xóm có việc buồn vui, người Mường Bi thường vội vã đến chia sẻ, làm giúp
Khi gia đình nào trong xóm có việc buồn vui, người Mường Bi thường vội vã đến chia sẻ, làm giúp
Tôi ăn trưa và nghỉ ngơi trên ngôi nhà sàn của mo Lựng, trong khi ông nói chuyện trước với gia chủ sẽ có khách đến quan sát buổi mo. Tất nhiên, lời nói của ông cũng là lời đảm bảo rằng sự có mặt của khách lạ không làm giảm đi sự linh thiêng của buổi lễ. Tầm quá trưa, vợ ông sẽ đưa tôi sang xem buổi mo.

Qua điện thoại, mo Lựng bảo: “Buổi sáng cũng mo, nhưng chỉ cúng một quả trứng và con gà thôi. Đến giờ ngọ mới được phép giết thịt con sinh làm cỗ, cúng lễ chính. Chuẩn bị sang đi, theo ngõ chính, thấy nhà nào đông người hay nghe tiếng tôi mo thì vào”.

Có khá đông người đang ngồi dưới gốc cây, trong gầm hay trên sàn ngôi nhà người ốm. Khói hương ngào ngạt tỏa ra theo tiếng mo điêu luyện, lúc sang sảng như đọc sớ, lúc ngân nga như hát ca của mo Lựng từ ngôi nhà sàn cũ kỹ.

Gia chủ tuổi ngoài 70, phát hiện bệnh ung thư đã 7 năm trước, chạy chữa mãi không khỏi. Khi thấy ông kiệt sức, chân tay liệt lạnh, người nhà đều buồn rầu nhìn nhau, “xác định”. Thầy mo Lựng được mời đến làm lễ giải hạn, mong lời mo huyền diệu sẽ dẫn đường cho gia chủ thanh thản về với tổ tiên.
Việc giết con sinh, làm lễ vật chỉ được phép diễn ra sau 12 giờ
Việc giết con sinh, làm lễ vật chỉ được phép diễn ra sau 12 giờ
Quá trưa, chỉ có những bụi tre luồng còn chút râm mát, người nhà bắt đầu giết chó làm đồ cúng. Chủ nhà làm thịt gà, một con lợn chừng 20kg và một con chó lớn cho buổi lễ. Người Mường quan niệm, chó là con vật biết ăn cơm, sống trong nhà nên có thể làm vật thế mạng cho người ốm được, xua đi những tà ma, đen đủi trong ngôi nhà mình.

Người ta sẽ phải đập cho con chó chết đi, rồi đem lửa rơm thui lên cho vàng, giữ nguyên nội tạng. Khi bày lên cúng lễ, cũng như gà, thịt chó phải để nguyên con chứ không xẻ thịt thái nhỏ ra như thịt lợn.
Lễ vật bày khắp sàn nhà để thầy mo làm lễ
Lễ vật bày khắp sàn nhà để thầy mo làm lễ
Một nghi lễ không thể thiếu trong lễ giải hạn của người Mường chính là việc người ta dùng chày hoặc gậy gỗ để hóa kiếp con chó. Một người đàn ông chít khăn tang ngang bụng, thẳng tay phang thật lực chiếc chày gỗ vào đầu chó đến khi nó chết hẳn, trong tiếng rì rầm khấn khứa của thầy mo.

Công việc sát sinh rùng rợn này, có người còn gọi thẳng là “thất đức”, khiến chẳng ai muốn mình đóng vai trò đao phủ. Họ sợ hãi ám ảnh, rằng những đen đủi của gia chủ sẽ vận vào mình và gia đình khi làm việc đó. Người nhà thì không được làm việc này, nên việc mượn được một “đao phủ” là vấn đề vô cùng nan giải.

“Thường thì người đàn ông già cả, sống độc thân, không còn nhiều lo toan, ràng buộc với cuộc đời nữa được mời làm người giúp nghi lễ xuống tay. Có thể đó là một anh chuyên làm ở lò mổ, quen với việc hóa kiếp cho loài vật.
Thầy mo Lựng đang đọc sử thi cầu mong cho gia chủ bình yên
Thầy mo Lựng đang đọc sử thi cầu mong cho gia chủ bình yên
Nhưng nếu nhờ giết gà chó bình thường, họ rất vui vẻ nhận lời. Còn nghe nói rằng mời họ giết chó làm lễ giải hạn, có khi họ mắng chửi thẳng vào mặt, đuổi thẳng cổ ra khỏi nhà ngay lập tức. Đến nước này, gia chủ chỉ còn biết quỳ xuống mà khóc lạy, cầu xin họ vì lòng thương mà ra tay giúp đỡ.

Kêu khóc nhiều lần, may ra người đó mủi lòng. Từ xưa đến nay, người nhà gia chủ bao giờ cũng có lệ quỳ lạy cảm ơn người đao phủ đã giúp mình giết chó” - thầy mo Lựng cho biết.

Tôi tận mắt chứng kiến cảnh đó tại ngôi nhà thầy mo Lựng đang làm lễ. Một người con của gia chủ rẽ đám người đang ngồi hút thuốc lào và uống nước trà, kéo tay một người đàn ông mặt mũi phong trần đang nói cười ha hả, quỳ sụp xuống trước mặt. Rất nhanh, người kia giơ tay đỡ, rồi phẩy tay, ngăn anh ta không gập mình chạm đầu xuống sát đất.

Suốt từ sáng, thầy mo Lựng vẫn thành kính với những khúc ca làm vui lòng thần linh, chỉ thỉnh thoảng ngừng nghỉ, cởi bỏ mũ áo lễ, nhấp chén trà lấy giọng. Trong giờ trưa, ông được nghỉ nhiều hơn vì phải đợi mọi người sửa soạn lễ vật.
Mỗi buổi mo thường kéo dài cả ngày, thậm chí là suốt nhiều ngày đêm
Mỗi buổi mo thường kéo dài cả ngày, thậm chí là suốt nhiều ngày đêm
Khi tất cả lễ vật đã được đặt lên những tàu lá chuối tươi bày la liệt trên hơn một gian nhà sàn, mo Lựng lại khoác áo dài đen, đội mũ lễ rung chuông diễn xướng. Hầu như ông đứng suốt buổi, tay bắt quyết, làm chú, miệng không ngớt đọc mo với sự diễn cảm, nhiệt tình, thành kính.

Tất cả những bảo bối trong túi phép, dao kiếm, gậy, bó cây gai… đều được mo Lựng sử dụng trong mỗi trường đoạn. Cũng có khi ông ngồi xuống chiếc ghế nhựa kê sẵn trước bàn thờ dựng rất lạ từ những thanh luồng tươi, vừa rung chuông vừa cất tiếng mo như đang ngâm thơ vậy.

Lệ xưa, mỗi khi mổ lợn cúng lễ, người nhà thường phải biếu quan lang một nửa cái đầu lợn, một chân trước, một chân sau, vai, mông. Thầy mo hành lễ cũng có một phần như vậy, không được phép thiếu.

“Quan lang không còn, nhưng lễ cho thầy mo vẫn vậy. Tôi làm mo xong thường chỉ lấy cái tai thay cho đầu, cái đuôi thay cho mông. Bởi nếu lấy theo lệ thì cả mấy chục người tham gia buổi lễ chỉ được ăn sườn và phần thân con lợn, làm sao đủ cỗ.

Nhưng chiếc xương hàm dưới của con lợn thì tôi phải cầm về. Đó là tục lệ rồi, không thể khác được…” - mo Lựng cho biết.

(Còn nữa...)

XEM THÊM
>> Bí ẩn "túi bùa" của thầy mo xứ Mường
>> Lỗ thiên tạo, “công năng phi phàm” của thầy mo?