Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2013 Việt Nam đã xuất khẩu gạo vào khu vực châu Phi với số lượng rất lớn, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của ta.
Châu Phi là thị trường đứng thứ 2 về nhập gạo Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2014, việc kỳ vọng khai thông, tạo đột phá vào thị trường gạo châu Phi là hoàn toàn có cơ sở bởi việc xây dựng nền tảng để doanh nghiệp (DN) xuất khẩu xâm nhập vào thị trường này đã được thiết lập từ nhiều năm nay.
Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang 30/55 nước khu vực châu Phi. Trong đó, những thị trường nhập khẩu nhiều gạo Việt Nam gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Angola, Cameroon…
Theo nhận định của Bộ Công Thương, do tốc độ đô thị hóa, cộng với thu nhập tăng nhanh khiến người dân châu Phi có nhu cầu gạo ngày càng cao và kim ngạch nhập khẩu gạo ngày càng lớn. Gạo Việt Nam lại chiếm được cảm tình của các thị trường khu vực này nhờ giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt.
Hiện gạo thơm là một trong những loại gạo có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của Việt Nam sang châu Phi. Giá gạo thơm của ta chỉ bằng một nửa so với gạo thơm của Thái Lan, nhưng chất lượng tương đương. Thực tế, trong năm 2013 có những thời điểm một loạt các sản phẩm gạo sụt giảm sản lượng xuất khẩu thì gạo thơm vào châu Phi vẫn có sự gia tăng đáng kể.
Ông Hoàng Đức Nhuận- Trưởng Phòng châu Phi, thuộc Vụ châu Phi - Tây Nam Á (Bộ Công Thương) cho hay, bên cạnh các sản phẩm gạo có chất lượng và giá cả trung bình vẫn được xuất khẩu sang châu Phi, DN của ta đang hướng tới các phân khúc sản phẩm gạo có chất lượng tốt như gạo thơm, gạo đồ... "Hiện Nigeria là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với khoảng 2 triệu tấn/năm, chủ yếu là gạo đồ. Nếu DN Việt Nam có tiềm năng tài chính, đầu tư công nghệ để sản xuất loại gạo này thì sẽ không lo việc xuất khẩu" - ông Nhuận nói.
Ông Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, đến nay Việt Nam đã tiếp tục ký và gia hạn được các hiệp định xuất khẩu gạo đối với các thị trường truyền thống như với Indonesia, Phillipines (1,5 triệu tấn/năm); Cu Ba (200.000 tấn/năm). Ngoài ra, có thể kể đến thị trường Haiti, Bangladesh và gần đây là Malaysia.
Các hợp đồng Chính phủ nêu trên có thể giúp nông dân tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm – tương đương 3,5 - 4 triệu tấn. “Hướng của Bộ Công Thương là sẽ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, phù hợp tình hình mới theo tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chí tiếp cận thị trường xuất khẩu và để bà con nông dân trực tiếp tham gia quá trình này” - ông Hải cho biết thêm.