Dân Việt

Nanh vuốt heo: trang sức quí của người Cơ Tu

Sơn Gia Phúc 13/03/2014 07:45 GMT+7
Có lẽ rất ít ai biết người Cơtu vùng núi Quảng Nam, là một dân tộc ở vùng Trường Sơn có nghề nuôi heo để lấy nanh làm đồ trang sức.
Theo già làng YKông (85 tuổi), dân tộc Cơ Tu, thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) cho biết: Ngày xưa, phần đông người Cơ Tu cả đàn ông thanh niên và đàn bà và con gái đều búi tóc cao trên đầu và họ gắn một chiếc nanh heo cong lên đó vừa làm đẹp, vừa là vật hộ mệnh giúp người Cơ Tu khỏe mạnh, vượt qua những tai ương, ốm đau bệnh tật trong cuộc sống.

Già làng Cơ Tu-YKông, thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang(Quảng Nam) với chuỗi đeo cổ cùng nhiều nanh heo quí giá hàng trăm năm.
Già làng Cơ Tu-YKông, thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) với chuỗi đeo cổ cùng nhiều nanh heo quí giá hàng trăm năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có một chiếc nanh heo trắng ngà dài 5-7 cm, hình cong, thường họ phải vào rừng tìm heo có nanh để săn rồi lấy nanh. Ngoài ra, theo phong tục người Cơ Tu, họ còn nuôi heo nhà để lấy nanh.

Người nuôi phải chọn giống heo đực còn nhỏ, đẹp và khẻo mạnh. Để cho những chiếc răng nanh hàm dưới phát triển tự do, heo phải được nhổ bỏ răng nanh ở hàm trên và được ăn các loại thức ăn chế biến từ ngô, sắn, chuối, cám và gạo.

Sau từ 7-8 năm chăn nuôi, những nanh hàm dưới của heo nhà có thể dài tới 10-15 cm, lớp ngà mặt răng trắng bóng và mịn. Nhiều chiếc nanh còn cuộn lại từ 1 đến 3 vòng. Người Cơ Tu coi những chiếc răng này vào loại rất quí.

Phụ nữ dân tộc Cơ Tu, ngoài vòng cổ và chuỗi mả não, họ còn đeo thêm nanh heo như vật hộ mệnh.
Phụ nữ dân tộc Cơ Tu, ngoài vòng cổ và chuỗi mả não, họ còn đeo thêm nanh heo như vật hộ mệnh.
Để có những chiếc răng dài, uốn cong ấy thì những con heo phải được chăm sóc đặc biệt, nhất là khi răng đã to và dài ra. Do quá trình phát triển, những chiếc răng cuộn ở vòng uốn đầu tiên, mũi nhọn của răng sẽ đâm vào hàm, xuyên qua chân răng nên những con heo này rất hung dữ.

Để hạn chế sự hung dữ đó, người Cơ Tu buộc phải trói con heo lại để tiếp tục nuôi trong nhiều năm cho đến khi có được những chiếc răng vừa ý. Khi đó thức ăn cho chúng phải được nghiền nhỏ để nhồi, đút cho ăn. Chính vì thế mà những chiếc răng nanh dài và đặc biệt lại uốn cong vài ba vòng nên rất hiếm, rất quí. Nhiều khi một chiếc răng nanh đạt tiêu chuẩn đó được trao đổi ngang giá với 2 con trâu.

Theo truyền thống, xưa trong các làng đồng bào dân tộc Cơ Tu khi có một gia đình nuôi được một con heo với những chiếc răng nanh dài đẹp thì ngày mổ thịt lấy răng nanh thực sự trở thành ngày hội của gia đình và cả làng. Những chiếc răng nanh dài, đẹp còn nâng cao tín nhiệm của người chủ nuôi heo trong làng.