Thưa Phó Thống đốc, thông tin về chương trình hỗ trợ tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn đang thu hút sự quan tâm của số đông doanh nghiệp và hầu hết các hộ nông dân. Cụ thể hơn về chương trình tín dụng này đã được xúc tiến triển khai như thế nào?Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến
- Thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5.3.2014 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2014, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với Bộ NNPTNT nghiên cứu xây dựng Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Mục đích của chương trình này là nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg.
Chương trình tín dụng mới sẽ ưu tiên cho vay vốn với các mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao...
Theo chỉ đạo của Chính phủ, chương trình cho vay thí điểm sẽ tập trung vào một số doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân chủ trì mô hình cánh đồng lớn ở các địa phương; những doanh nghiệp có dự án áp dụng khoa học công nghệ cao đã được Bộ NNPTNT cấp giấy chứng nhận; các doanh nghiệp, hộ dân tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết đối với một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực. Sau khi kết thúc thí điểm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng kết, đánh giá để xem xét việc nhân rộng.
Dự kiến về số tiền dành cho ưu đãi, hay hướng trọng tâm, trọng điểm của chương trình sẽ vào lĩnh vực nào?
- Đối với chương trình này, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề ưu đãi hỗ trợ một ngành, lĩnh vực cụ thể nào và cũng không xác định tổng số tiền cho vay của chương trình mà sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay vốn đầy đủ và kịp thời đối với các đối tượng đáp ứng các yêu cầu về tham gia chuỗi liên kết và ứng dụng công nghệ cao như đã đề cập ở trên.
Các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm của ngành nông nghiệp đã xuất hiện các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao như lúa gạo, thủy sản, cà phê, sữa… sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định việc tham gia chương trình này.
Chương trình hỗ trợ tín dụng sẽ được triển khai theo hướng tăng đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn hay ưu đãi vốn vay, lãi suất?- Với chương trình cho vay thí điểm này, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ NNPTNT bước đầu đưa ra hướng triển khai như sau: Về lãi suất, dự kiến lãi suất cho vay thí điểm sẽ thấp hơn lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện nay. Cụ thể: Trần lãi suất cho vay ngắn hạn là 7%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn là 10-10,5%/năm.
Về tài sản đảm bảo: Trên cơ sở kiểm soát dòng tiền của dự án/phương án vay, tổ chức tín dụng có thể miễn tài sản thế chấp cho khách hàng vay. Ví dụ, tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư cánh đồng lớn vay vốn để mua giống, vật tư nông nghiệp ứng cho nông dân, khi nông dân thu hoạch, bán sản phẩm và trả tiền tạm ứng cho doanh nghiệp thì ngân hàng thu nợ...
Những khoản vay của các đối tượng tham gia các mô hình liên kết như vậy sẽ được ngân hàng xem xét cho vay không cần thế chấp. Đây là tháo gỡ khó khăn lớn nhất cho các đối tượng vay vốn khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Về phía khu vực nông nghiệp, nông thôn cần phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài ra sao để có thể hấp thu tốt những chính sách ưu đãi dành cho mình?
"Ngân hàng Nhà nước dự kiến các ngân hàng tham gia thực hiện chương trình cho vay thí điểm trên bao gồm 5 ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn”. Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến
|
- Theo tôi, để khu vực nông nghiệp, nông thôn có thể hấp thu tốt các chính sách ưu đãi nói trên, trước mắt ngành nông nghiệp cần phải làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, gắn quy hoạch vùng với quy hoạch của địa phương, gắn quy hoạch vùng chuyên canh nuôi trồng với các khu công nghiệp chế biến.
Thứ hai, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, chính sách dồn điền đổi thửa và tích tụ ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, tăng cường thu hút đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến khâu sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản.
Thứ tư, cần sớm tổng kết chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp để mở rộng triển khai trong cả nước nhằm giảm thiểu rủi ro cho bà con nông dân, các tổ chức tín dụng yên tâm đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Về lâu dài, cần phải đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả trong nông nghiệp và ở nông thôn. Đồng thời, phát triển nhanh công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn.
Xin cảm ơn ông!