Dân Việt

Tết thiêng La Hủ nơi non cao Mường Tè

Hùng Minh Nguyễn 22/01/2014 10:45 GMT+7
Bà con Tây Bắc vẫn hay đùa rằng, trên núi cao gần với trời hơn nên mùa xuân thường đến sớm. Lúc mà người miền xuôi bảo nhau “thế là lại sắp tết rồi!” thì giữa non ngàn Mường Tè, người La Hủ đã đồ xôi, mổ gà... ăn tết.
Phong tục đẹp tự ngàn đời

Ngày tết của người La Hủ được tổ chức từ những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch. Bà con các bản khởi đầu bằng lễ cúng rừng, cúng bản và sau đó là cúng tổ tiên. Lễ cúng rừng là cúng tất cả các vị chư thần từ thần suối, thần sông, thần cỏ cây, hoa lá, chim muông đến thần đại ngàn, thần núi... Trong quan niệm cổ sơ của người La Hủ, bất cứ ở chỗ nào cũng có thần linh trú ngụ. Người ta có thể chạm với thần rừng ngay khi rời bậu cửa nhà mình.

Phụ nữ La Hủ gói bánh dày ăn tết.
Phụ nữ La Hủ gói bánh dày ăn tết.

Trong lễ cúng rừng trước ngày tết chính, đại diện các gia đình trong bản phải mang một con vật bất kỳ do gia đình nuôi được trong năm đến phiến đá lớn, bằng phẳng trước cửa rừng để dâng lên thánh thần. Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, vật hiến tế đã kiểm kê xong, già bản hạ lệnh cho phép giết thịt ngay tại cửa rừng. Sau thủ tục cúng vái, người ta chia ra từng bếp để luộc, nấu chín rồi trải lá chuối, lá vả ra ngay bìa rừng mà ăn, mà uống rượu.

Cả bản La Hủ quây quần ăn thịt, uống rượu tuý luý, đến tận lúc no say người ta mới bắt đầu nói lên những lời nguyện cầu, lời hứa giữ và bảo vệ rừng. “Người La Hủ từ xửa xưa đã sống dựa vào rừng già, lang thang dọc theo những con suối, ngọn đèo vậy nên ai cũng coi rừng là bản mệnh. Ngày nay được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để sống định cư, dần thoát đói nghèo nên bà con nhủ lòng càng phải bảo vệ rừng vì đó là một cách yêu nước...” - già bản Ly Lở Lầu tâm sự bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ.

Sau lễ cúng rừng là lễ cúng bản. Bà con đã chuẩn bị dựng sẵn một chiếc cổng ở đầu bản theo hình thức cổng chào và trồng một cây bồ kết tua tủa gai nhọn ngay bên lối đi để ngăn không cho quỷ, ma xâm nhập bản. Lễ cúng bản ngày xưa kéo rầm rĩ, hát ầu ơ đưa đẩy suốt mấy ngày, còn bây giờ thực hiện đời sống mới nên thu gọn chỉ hơn 1 ngày. Trong ngày diễn ra lễ, cấm mọi người ra khỏi bản.

Sau lễ cúng bản mới đến lễ cúng tổ tiên của mỗi gia đình, với lễ vật gồm: 1 con gà trống, 2 bát gạo, 2 chén rượu, 1 bát thịt và vài củ gừng. Sau khi luộc chín con gà, mâm lễ vật sẽ được dọn ra và đặt ở đầu giường ngủ của chủ gia đình.

Ở cột ma nhà, bà con buộc vào đó một cành cây lá còn tươi, ở cành cây này có buộc một sợi chỉ đỏ tượng trưng cho lá cờ. Ở thân cành cây cắm dựa vào cây cột thiêng, người nhà khắc 9 rãnh sâu vừa phải, có gài ngang những cái lông cánh của con gà đã mổ hiến sinh (9 cái lông cánh gà) mà theo quan niệm dân gian, đó chính là bắc thang lông gà cho tổ tiên về hưởng lễ.

Vị tết trên non cao


Vào dịp tết của bà con La Hủ không bao giờ thiếu món cháo gà cùng thịt lợn, ít hay nhiều tùy theo hoàn cảnh.

Những ngày ăn tết ở Pa Ủ, cô thiếu nữ Ly Là My năm nay 17 tuổi, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Cô còn mời chúng tôi về nhà và vào bếp tự tay chuẩn bị món thết đãi, với món chính là thịt khô ngâm kho dừ và một khúc dồi lợn dài, đen thẫm, cong như dây xúc xích trong siêu thị dưới xuôi. Thường thì món dồi dùng để ăn ở tết năm nay nhưng mang đậm hương vị của mùa xuân năm trước, Là My bảo: “Em lại đang chuẩn bị làm và cất dồi lợn cho mùa xuân năm sau đây”.

Nhìn món tết đặc biệt trên mâm cỗ nhà Là My, chúng tôi chỉ nhìn nhau mà không sao nuốt trôi. Nhưng thiếu nữ vùng cao tinh tế lắm, Là My quan sát và hiểu khách nghĩ gì nên thật ngọt ngào khi “ép” chúng tôi dùng thử món tết do chính tay em làm. Đưa miếng dồi lên miệng, uống thêm nửa bát rượu, tôi nhìn thật sâu vào ánh mắt lúng liếng của Là My và nuốt. Rồi cái cảm giác e sợ ban đầu biến mất, không khí tết miền biên viễn ngấm từ từ vào tôi theo từng đường gân, thớ thịt...

Hôm biết chúng tôi phải rời bản về xuôi, Là My đang cùng cha mẹ đốt lửa để hun món tết dành cho mùa xuân năm tới, đã đi tắt qua rừng tiễn chúng tôi và gửi món quà tết mình làm được về xuôi, cùng lời mời: “Mong các anh đừng quên Là My, đừng quên bản làng. Tết năm tới các anh lại về nhé!”.