Dân Việt

“Đe dọa trừng phạt của Obama không làm Putin bận tâm”

Vietnam+ 20/03/2014 09:11 GMT+7
Hãng tin Pháp AFP vừa có bài nhận định, cho rằng những đe dọa từ Tổng thống Barack Obama về “cái giá phải trả” của Nga đã không làm Tổng thống Nga Vladimir Putin lung lạc trong lập trường của ông về Crimea.
Việc Putin nhanh chóng công nhận việc sáp nhập Crimea và bài phát biểu thể hiện sự cương quyết của ông hôm 19.3 đã buộc chính quyền Obama phải nhìn nhận lại cuộc khủng hoảng.

Kế hoạch của ông Obama hiện giờ có vẻ như là gây ra sức ép kinh tế để Moskva phải lùi bước trong các động thái ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đoc thông điệp liên bang về việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đoc thông điệp liên bang về việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga (Nguồn: AFP/TTXVN)

Washington cũng sẽ nỗ lực tránh cho cuộc khủng hoảng ra khỏi tầm kiểm soát, đồng thời vẫn trấn an được các đồng minh hậu Xô Viết của họ ở châu Âu về quyết tâm của phương Tây. Trong dài hạn, Nhà Trắng đang đứng trước bài trắc nghiệm không dễ dàng.

Cuộc khủng hoảng Đông-Tây này là nghiêm trọng nhất từ thời Chiến tranh Lạnh và có thể là chủ đề chính trong các hoạt động đối ngoại của ông Obama trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Ông Obama sẽ sang châu Âu tuần tới trong một chuyến đi trở nên cực kỳ quan trọng với một tổng thống Mỹ trong nhiều năm qua. Ông đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 gặp mặt ở The Hague để nhất trí trong việc cô lập Nga và thuyết phục các nước châu Âu xây dựng một chương trình cấm vận mạnh tay.

“Chúng ta có thể vạch ra tỉ mỉ cách đối phó dựa trên việc Nga lựa chọn làm tăng hay giảm căng thẳng,” ông Obama nói hôm 17.3.

Washington đã tuyên bố lệnh cấm vận với 11 quan chức, bao gồm các thành viên thân cận với ông Putin, nhưng Moskva không hề bận tâm.

Nhà Trắng đã nói họ sẽ còn tăng thêm các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Mỹ lên Moskva là không đủ sức nặng, dù quan hệ thương mại song phương đã được mở rộng nhiều và các tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing hay Exxon Mobil đều là những tay chơi lớn trên thị trường Nga.

Tổn thất cho chính châu Âu và Mỹ

Châu Âu, với các mối quan hệ rất quan trọng về thương mại và năng lượng với Moskva, sẽ là chìa khóa của vấn đề. “Các nước châu Âu ở vị thế tốt hơn để gây tổn hại cho nền kinh tế Nga”, Anton Fedyashin, một chuyên gia về Nga ở Đại học châu Mỹ, bình luận.

Nhưng gây tổn thất cho Nga cũng đồng nghĩa với việc các nước châu Âu sẽ gây tổn thất cho chính họ và châu Âu hiện giờ cũng không ổn lắm về mặt kinh tế.

“Tôi rất nghi ngờ khả năng các nước châu Âu sẽ nói ủng hộ kế hoạch của Mỹ”, Fedyashin nói. Tới giờ, Washington đã nhắm vào các cá nhân, nhưng không phải nền kinh tế Nga, nhưng chính quyền Mỹ đã cảnh báo những nhà tài phiệt nước này phải dè chừng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các lãnh đạo Crimea và Sevastopol sau khi ký hiệp ước thỏa thuận sáp nhập bán đảo này vào Nga (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các lãnh đạo Crimea và Sevastopol sau khi ký hiệp ước thỏa thuận sáp nhập bán đảo này vào Nga (Nguồn: AFP/TTXVN)

Về dài hạn, Mỹ có thể thử kiểu cấm vận với các giao dịch ngân hàng đã gây nhiều tổn thất cho kinh tế Iran. “Nếu là bạn, tôi sẽ không đầu tư vào các cổ phiếu Nga hiện giờ, trừ khi là bạn chỉ nhắm tới ngắn hạn”, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói.

Việc Nga sáp nhập Crimea và những động thái gây nhiều lo ngại ở Đông Ukraine đã khiến châu Âu hết sức lo lắng về sự trở lại của Chiến tranh Lạnh.

Điều đó đã khiến Phó tổng thống Mỹ Joe Biden phải lên tiếng. “Tôi muốn nói rất rõ ràng với quý vị và tất cả các đồng minh của tôi trong vùng rằng cam kết của chúng tôi với việc tự vệ chung theo điều 5 của NATO”, ông Biden nói với Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski hôm 18.3.

Ông Obama gia tăng thêm sức nặng vào tuần sau và Washington hiện đã gửi thêm sáu máy bay chiến đấu F-16 để hỗ trợ tuần tra trên không của NATO ở khu vực Baltic.

Cuộc khủng hoảng Crimea cũng khiến NATO, hiện vẫn chưa rõ vai trò của họ thời hậu chiến tranh lạnh, trở lại với những nền tảng địa chiến lược ban đầu.

Các đối thủ chính trị của tổng thống Mỹ đã kêu gọi ông khôi phục lại kế hoạch đưa hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tới Ba Lan và Cộng hòa Czech.

Ông Obama cũng đã nhiều lần yêu cầu quốc hội Mỹ thông qua khoản cho vay bảo đảm 1 tỉ USD cho Ukraine. Nhưng các nghị sĩ tỏ ra thận trọng về yêu cầu giải ngân để Ukraine tăng cường quân đội.

Tuần tới, ông Obama cũng sẽ phải xử lý vấn đề kinh tế Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị cắt các khoản vay lớn từ Nga.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới sẽ là các tổ chức cung cấp tài chính chính, nhưng khoản tiền không hề ít: Ukraine cần 25 tỉ USD trong hai năm tới.

Ngay cả nếu chọn giải pháp đối đầu với ông Putin, ông Obama vẫn sẽ phải rất cân nhắc khi mà Nga và Mỹ là hai nước đang kiểm soát 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới.