Văn phòng của bà Merkel đã xác nhận thông tin trên và cho biết, trong cuộc điện đàm hôm qua, 2 nhà lãnh đạo Nga-Đức đã đạt được thỏa thuận hợp tác để thực hiện các bước tiềm năng nhằm “khôi phục lại trật tự và ổn định” ở Ukraine đồng thời thảo luận về khu vực ly khai của Moldova là Transdniestria.
Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về lệnh rút quân khỏi biên giới Ukraine mà Tổng thống Putin vừa đưa ra. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, động thái này có thể làm giảm căng thẳng tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh bắt nguồn từ việc Nga sáp nhập bán đảo Biển Đen – Crimea - vào lãnh thổ nước này.
Quân vũ trang mà Ukraine và phương Tây cáo buộc là quân Nga bên ngoài căn cứ quân sự ở Perevalnoye, gần thành phố Simferopol, Crimea. Ảnh: Reuters
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh, nếu thông tin Nga rút quân khỏi biên giới chính xác “đây sẽ à một bước khởi đầu đáng hoan nghênh".
"Chúng tôi kêu gọi Nga đẩy mạnh quá trình này. Chúng tôi cũng tiếp tục kêu gọi Nga đối thoại với chính phủ tại Kiev để giảm leo thang tình hình đồng thời tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Trước đó, hồi tuần trước Ukraine và Mỹ liên tục cáo buộc Nga tập trung hàng chục nghìn quân dọc biên giới Đông Ukraine. Đồng thời, Điện Kremlin cũng nhiều lần cảnh báo, Nga có thể đưa quân vào Đông Ukraine để bảo vệ người nói tiếng Nga trong khu vực.
Hôm qua, truyền thông Nga cho biết, một tiểu đoàn bộ binh của quân đội nước này đã rút từ khu vực biên giới tới căn cứ ở sâu hơn trong đất liền của Nga.
>> Nga hướng dẫn cách thức nhập cảnh vào Crimea