Những vần thơ tiền định
Gặp Lê Na trong căn phòng 16m2 những ngày đầu tháng 4 này, tôi như ngợp bởi vẻ tươi tắn, hạnh phúc của một cô gái khiếm thị nhưng tràn đầy nhựa sống.
Đỗ Lê Na hạnh phúc bên chồng và con trai.
Nói về hạnh phúc lứa đôi, chồng Lê Na - anh Lê Trọng Hùng lại là người mở lời trước. Cách đây hơn 10 năm, chàng trai trẻ Lê Trọng Hùng (quê ở Lào Cai) tình cờ nghe thấy đài phát thanh đọc một bài thơ của một cô gái có tên là “Xa rồi cổ tích”.
Những câu thơ xót xa, đau đáu về những kỷ niệm xưa làm anh bồi hồi xao xuyến: “Cổ tích xưa sống trong quả thị vàng/ Nay hoang mang con kiếm tìm kỷ niệm/ Mẹ hay ba hay chính con có lỗi/ Với lòng mình trước tiếng gọi ngày xưa”.
Qua đài, anh được biết đây là bài thơ của một cô gái khiếm thị Đỗ Lê Na - học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó về sau tâm trí anh luôn lởn vởn những câu thơ và hình bóng tưởng tượng xa mờ của một cô gái không quen biết.
Thời gian sau anh Hùng có dịp về Hà Nội học. Vô tình anh gặp bạn bè quen với Đỗ Lê Na. Qua người bạn, anh tìm cách đến làm quen với cô gái Đỗ Lê Na, người mà mình đã nghe thơ và hâm mộ từ trước.
Đỗ Lê Na sinh ra ở miền quê gió Lào cát trắng Quảng Bình. Năm 1981, cô bé ra đời và bị bỏ rơi trong một bệnh viện ở Khe Sanh. Cô y tá trẻ Lê Bích Thủy, chỉ mới vừa chớm tuổi 20 chưa xây dựng gia đình, trước tình cảnh thương tâm của bé đã nhận về làm con nuôi và đặt tên là Đỗ Lê Na. Rồi cô y tá xây dựng gia đình, sinh thêm 3 con nữa và Lê Na trở thành người chị của 3 đứa em nhỏ.
1 tuổi Lê Na đã bị thị lực yếu. Thế giới quanh em giờ đây chỉ còn là một màu đen. Mẹ Thủy khóc nhiều đêm lo cho tương lai của bé Na. Cô bé không còn hồn nhiên và những nỗi buồn xâm chiếm em suốt tuổi thơ dằng dặc.
Sống là không ngừng hy vọng
May mắn có một lần đoàn văn nghệ khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu về quê Lê Na biểu diễn. Hai mẹ con đến xin gặp lãnh đạo đoàn và được nhà trường nhận vào học. Năm 1994, Đỗ Lê Na khăn gói ra học trường Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội.
Những ngày trong trường học Lê Na rất đam mê văn học, nhờ hệ thống chữ nổi cô đã tìm đọc được nhiều sách. Những bài thơ của cô đã được các báo Văn nghệ trẻ, Hà Nội mới… đăng, đặc biệt là chương trình tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Lê Na nhớ như in lời tỏ tình mà người yêu đã nói với mình ngày đó: “Anh nguyện làm chàng Thạch Sanh nắm tay em đi suốt cuộc đời”.
Bạn bè, bố mẹ, họ hàng cũng rất lo lắng cho anh Hùng, nhưng anh vẫn kiên quyết: “Chúng con đến với nhau là vì tình yêu, và con hứa sẽ ở bên chăm sóc cô ấy suốt cuộc đời”.
|
Cách đây 10 năm, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Tôn Thất Triêm, nguyệt san Báo Nông Thôn Ngày Nay đã in một chùm thơ của Đỗ Lê Na khi cô đang còn là học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu.
Khi Lê Trọng Hùng về đến Hà Nội, thì Lê Na đã rời trường nội trú Nguyễn Đình Chiểu chuyển vào học khoa Văn- Đại học Sư phạm Hà Nội. Cuộc gặp gỡ lần đầu như mối duyên kỳ ngộ cho đôi trẻ. Càng tiếp xúc lâu, anh Hùng càng cảm thấy quý mến cô gái khiếm thị giàu khát vọng ý chí và có tấm lòng nhân hậu. Và tình yêu đã đến với họ.
Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản và khó khăn để họ phải vượt qua. Lê Na kể lại: “Lúc đó tôi luôn dằn vặt với câu hỏi liệu tôi có thể làm vợ, làm mẹ chu đáo vẹn toàn không? Nhưng tình yêu của anh Hùng đã thuyết phục tôi”.
Hiện tại hai vợ chồng sống trong căn phòng 16m2 ở phường Minh Khai, Hà Nội, đối diện với trường Nguyễn Đình Chiểu. Hai anh chị còn nhiều khó khăn với đồng lương eo hẹp khởi điểm. Cháu Bảo Minh đã được 3 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh.
Lê Na tâm sự: “Những lúc cháu bé không bị ốm thì đồng lương hai vợ chồng vẫn tiêu đủ, còn khi cháu ốm thì ông bà nội ngoại ở Quảng Bình và Lào Cai phải hỗ trợ thêm”. Hàng ngày anh Hùng đi dạy ở trường Xã Đàn còn Lê Na dạy văn tại trường Nguyễn Đình Chiểu cho học sinh khiếm thị. Trong căn nhà nhỏ bé của họ thường xuyên vang lên tiếng cười và tiếng bi bô trẻ nhỏ.
Lo sinh kế cho người khuyết tật
Ngày 17.4, ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, trong năm 2014, Hội sẽ thúc đẩy các hoạt động liên quan tới hỗ trợ việc làm, lo sinh kế cho người khuyết tật. Trong tháng 4, Hội cũng đã tổ chức vinh danh các cá nhân người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt khó vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng như anh Trần Văn Diệu bị khuyết tật chân nhưng vẫn tích cực, sáng tạo trong lao động sản xuất, trở thành chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Xuân Diệu.
Ngoài ra, Hội cũng biểu dương các cá nhân hỗ trợ người khuyết tật, như Thượng tọa Thích Định Tánh (trụ trì chùa Cẩm Phong, Tây Ninh) đã nhận nuôi dưỡng 210 người; Công ty TNHH Thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam Protect với 30% lao động là người khuyết tật, đã thiết kế dây chuyền để những người ngồi trên xe lăn làm việc thuận lợi.
Ông Nguyễn Đình Liêu cho biết thêm, chương trình “Một trái tim, một thế giới” năm 2014 đã được các nhà hảo tâm ủng hộ 19,320 tỷ đồng, cùng với hơn 10 tỷ đồng quyên góp được từ chương trình đi bộ “Chung bước yêu thương-trao niềm hy vọng”, Hội sẽ tổ chức phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể, trao xe lăn, hỗ trợ sinh kế, dạy nghề, giải quyết việc làm... cho người khuyết tật và trẻ mồ côi trong cả nước.
Nguyễn Trang
|