Chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, sóng biển đã xâm thực nhiều cánh rừng phòng hộ ở tuyến đê biển Tây và đê biển Đông của tỉnh Cà Mau.
Những ngày đầu tháng 3 này, chúng tôi đến khảo sát tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau - nơi có tuyến đê biển Tây đi qua bị sạt lở nhiều nhất. Đối với các hộ dân sinh sống ở những đoạn đê chưa được bảo vệ, ai cũng nơm nớp lo sợ trước sự tàn phá của sóng biển trong những năm qua và mùa mưa bão sắp tới.
Bà Lê Thị Hoa (76 tuổi, ngụ ấp 1, xã Khánh Tiến) nói: “Tôi sống ở đây hơn 20 năm qua, lúc trước rừng còn xa cả cây số, nhưng nay sóng biển đã đánh tan tành cả một vạt rừng rộng lớn. Vào mùa mưa bão, ban đêm sóng đánh ầm ầm, nước tràn qua đê, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sóng biển cuốn trôi nhà”.
Còn ông Nguyễn Lũy (68 tuổi, ngụ cùng địa phương) lo lắng khi trò chuyện với phóng viên: “Tôi đã phải dời nhà vào phía trong đê khi biển lấn rừng. Nhưng giờ vẫn chưa thấy an tâm, khoảng tháng 7 âm lịch hàng năm, sóng biển đánh phủ đầu con đê này người dân chúng tôi rất sợ. Ở đây, không ai dám bỏ tiền xây nhà vì biết sóng biển cuốn trôi nhà cửa mình khi nào mà cất làm gì”.
Trao đổi với phóng viên, ông Tô Quốc Nam – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại toàn tuyến đê biển Tây vẫn còn hơn 20km rừng phòng hộ cần được bảo vệ khẩn cấp. Tuy những đoạn này hiện vẫn còn rừng phòng hộ, nhưng rất thưa thớt, không thể trụ được trong thời gian tới.
“Trước mắt, ngành chức năng của tỉnh huy động nguồn vốn để xây dựng hoàn thiện hơn 2km tuyến đê biển đoạn Rạch Dinh – Hương Mai thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Hiện tại đoạn này còn gần 1km đã mất hẳn rừng phòng hộ, sóng biển đánh tới chân đê. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì tuyến đê biển này có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào trong thời gian tới.
“Tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn để địa phương hoàn thành các đoạn kè cần thiết còn lại, nhằm bảo vệ đê biển cũng như đời sống, tài sản của hàng trăm hộ dân phía trong đê” - ông Nam cho biết.