Dân Việt

Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh

Mai Hương 20/03/2014 14:39 GMT+7
Sáng nay 20.3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013.
Trong danh sách PCI công bố, TP.Đà Nẵng đã trở lại dẫn đầu trong bảng xếp hạng với 66,45 điểm.

Năm ngoái, Đà Nẵng đứng ở vị trí thứ 12 và trước đó từng có 3 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI cả nước (từ năm 2008-2010)

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), thành viên Nhóm nghiên cứu, cho biết điểm tích cực trong bảng xếp hạng PCI năm nay là các trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước đều tăng hạng. Cụ thể, TP HCM tăng 3 hạng, lọt vào top 10 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất cả nước. Hà Nội tăng 18 hạng trong trong bảng chỉ số, xếp hạng 33 từ vị trí 51 của PCI 2012.

Chỉ số PCI là bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và mức độ tạo thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh dành cho các doanh nghiệp tư nhân của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, được thực hiện liên tục từ năm 2005 đến nay với sự hưởng ứng của hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Nhóm tỉnh thấp nhất PCI vẫn còn nhiều tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Khu vực duyên hải miền Trung có 2 tỉnh nằm trong nhóm xếp hạng rất tốt là Thừa Thiên Huế (65,56 điểm, xếp thứ 2) và Quảng Ngãi (62,60 điểm, xếp thứ 7).

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì chất lượng điều hành tốt khi có đến 3 tỉnh là Kiên Giang, Đồng Tháp và Bến Tre lần lượt giữ vị trí số 3, 5 và 6.

Trong bảng xếp hạng năm nay, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên đứng trong nhóm 4 tỉnh xếp hạng PCI cao nhất với 63,51 điểm.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố thời gian qua có xu hướng chuyển biến tích cực. Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, Báo cáo PCI 2013 cũng cho thấy doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn và vẫn đang rất vất vả để duy trì hoạt động.

Năm 2013, chỉ có 6,4% doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư và 6,2% doanh nghiệp tăng quy mô lao động. Các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự lạc quan khi chỉ có 32,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có ý định tăng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới.

Ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kết quả điều tra 1.609 doanh nghiệp cho thấy Việt Nam được đánh giá tích cực hơn so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, vai trò tương đối lớn của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách, rủi ro thu hồi tài sản thấp và các mức thuế khá hợp lý.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI nhận định Việt Nam kém hơn các quốc gia khác về chi phí không chính thức, gánh nặng của quy định, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng cơ sở hạ tầng.