Dân Việt

Lúa gạo vẫn “bi đát”!

04/05/2013 07:14 GMT+7
(Dân Việt) - Khi vụ thu hoạch mới bắt đầu, giá mua lúa trên đồng đã giảm hàng ngày. Hoạt động xuất khẩu gạo trong tháng 4, vốn được kỳ vọng sẽ khởi sắc, giúp đẩy giá lên thì đến thời điểm này, chưa có gì sáng sủa.

Giá lúa tiếp tục giảm sâu

img
Thu hoạch lúa tại huyện Tân Hưng (Long An). Hữu Danh

Thông tin từ một số thương lái thu mua lúa khu vực ĐBSCL, so với hồi giữa tháng 4, giá lúa, gạo trong tuần này tiếp tục giảm thêm 100 – 200 đồng/kg tùy loại. Ông Dương Văn Mến - thương lái thu mua lúa tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết, giá lúa IR 50404 tươi, thu mua tại ruộng với giá 4.000 - 4.100 đồng/kg, giá lúa hạt dài, tươi có giá 4.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với hồi tuần trước. Tại Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng..., giá lúa IR 50404 tươi cũng chỉ dao động quanh mức 4.000 - 4.150 đồng/kg.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho biết, giá lúa khô tại kho doanh nghiệp loại thường hiện tại có giá dao động từ 5.000 – 5.100 đồng/kg, lúa hạt dài khoảng 5.200 – 5.300 đồng/kg, giảm gần 200 đồng/kg so với hồi cuối tháng 3. Trong khi giá gạo nguyên liệu cũng giảm từ 50 – 100 đồng/kg, tùy loại. Cụ thể, gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm có giá 6.650 – 6.750 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.500 – 6.600 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Lãi suất mua tạm trữ thóc gạo không quá 11%/năm

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư số 50/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân năm 2012-2013. Thông tư nêu rõ, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại cho các thương nhân thuộc đối tượng theo quy định; hỗ trợ lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ chỉ thực hiện đối với các khoản vay từ ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định.

Tuấn Linh

Ông Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Công ty CP Gentraco (Cần Thơ) cho biết, dù đã vào vụ thu hoạch hè thu sớm, lượng lúa tăng lên nhưng chất lượng rất thấp, không sáng, bóng, tỷ lệ thu hồi gạo cũng thấp nên khó kỳ vọng giá tăng.

Xuất khẩu vẫn tắc

So với thời điểm tháng 3, xuất khẩu gạo tháng 4 được nhiều kỳ vọng tăng lượng, tăng giá, qua đó đẩy giá gạo trong nước lên. Tuy nhiên, thực tế tới đầu tháng 5 là giá gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. Khoảng cách giữa giá gạo Việt Nam và các nước khác như Ấn Độ, Pakistan... đã khá lớn, từ 150 – 180 USD/tấn.

Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA cho biết, hợp đồng xuất khẩu gạo ký mới trong tháng 4 khá tốt, đạt gần 732.000 tấn, cao hơn gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn, tăng gần 10% so với 2012.

Tuy nhiên, ngược với tình hình xuất khẩu gạo nhiều nước trên thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm thêm 10 – 15USD/tấn so với thời điểm tháng 3.2013 và giảm gần 30USD/tấn so với cùng kỳ 2012. Theo ông Huệ, việc giá gạo tiếp tục sụ giảm đã ảnh hưởng đến thực hiện các hợp đồng ký trước ở mức giá cao hơn, đồng thời, tác động đến tâm lý người mua, nhiều nhà nhập khẩu giữ trạng thái chờ đợi giá giảm thêm để tránh rủi ro.

“Thực tế, mặc dù giá gạo Việt Nam thấp hơn giá gạo thế giới nhiều nhưng khách hàng ngại mua vì giá không ổn định, sợ rủi ro là giá giảm tiếp; trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vì lý do quay vòng vốn nên phải bán tháo gạo giá thấp. Nếu không có biện pháp trụ giá lại, gạo Việt Nam sẽ không bán được hoặc bán lỗ, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký” - ông Huệ phân tích.

Theo ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch VFA, có ý kiến cho rằng, giá gạo xuất khẩu Việt Nam thấp trong thời gian qua do giá sàn xuất khẩu gạo Hiệp hội đưa ra khá thấp, ở mức 365 USD/tấn, quy ra giá thu mua lúa tươi ở mức khoảng 4.400 đồng/kg và 5.400 đồng/kg đối với lúa khô. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến – Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho rằng, do nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường hiện tại khá thấp, Việt Nam có giảm giá nhưng “bạn hàng” không có nhu cầu thì cũng không thể bán được gạo.

Trước tình trạng giá gạo xuất khẩu giảm sâu trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản gửi VFA yêu cầu đơn vị này rà soát, báo cáo tình hình cho bộ. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu VFA xác minh, báo cáo các biện pháp xử lý việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm chất lượng kém, giá thấp, gạo thơm nhưng không thơm... trong thời gian qua (Báo NTNN đã có bài phản ánh).

Theo tìm hiểu của NTNN, trước những ý kiến trái chiều về hoạt động thu mua tạm trữ lúa gạo trong năm 2012 và vụ đông xuân 2013 vừa qua, VFA dự kiến sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao lại việc thu mua lúa tạm trữ lúa gạo vụ hè thu tới về cho địa phương. Theo đó, các địa phương sẽ tự cân đối lượng lúa, gạo tạm trữ và các phương thức tạm trữ cũng như phân phối lượng gạo tạm trữ cho các doanh nghiệp trên địa bàn.