Dân Việt

Nghề săn rắn độc ở phố núi

NĐT 04/04/2014 07:33 GMT+7
Khi màn đêm buông xuống, trên khắp các triền đồi ở miền dẻo cao thuộc huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là lúc nhiều loài rắn độc như hổ mang chúa, cạp nong... bắt đầu đi săn mồi. Thời điểm ấy, cũng là lúc những người hành nghề săn rắn độc bắt đầu công việc của mình.
Chỉ với đôi bàn tay trần, không ít người đã bất chấp hiểm nguy, phó mặc tính mạng của mình với những cuộc săn đêm. Công việc luôn bị "thần chết" rình rập ấy từ lâu đã được họ coi là một "nghề" để mưu sinh.

Những cuộc phiêu lưu mạo hiểm lúc nửa đêm

Già làng Hoàng A Lung (78 tuổi) ở Cam Cọn, huyện Bảo Yên kể lại: Ngày trước, người dân địa phương dùng súng tự chế đi săn ban đêm rất hay bắn nhầm vào nhau. Từ những năm 2003, khi ngành công an mở chiến dịch thu hồi toàn bộ súng tự chế ở miền núi thì số lượng người bị tai nạn do súng tự chế đã giảm đi đáng kể.

Khi những tiếng súng thưa thớt dần, nghề săn bắn thú rừng bằng súng tự chế đã giảm, thay vào đó là nghề săn bắt thú rừng về đêm đầy hiểm nguy. Vào thời điểm này khi những cánh đồng đã qua mùa gặt, nhiều loài vật không còn chỗ ẩn nấp đã chốn vào những lùm cây, bụi rậm ven đường và các khe suối để chốn, chỉ ban đêm mới mò ra kiếm mồi. Trong số đó có rất nhiều loài rắn có độc có thể gây chết người.

Để bắt được rắn độc các tay săn thường lùng sục ở các bụi rậm, hang hốc hoặc bên trong những thân cây rống là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn độc.
Để bắt được rắn độc các tay săn thường lùng sục ở các bụi rậm, hang hốc hoặc bên trong những thân cây rống là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn độc.

Mùa đông là lúc thú rừng tích trữ mỡ nên nhiều người tranh thủ thời điểm này để mở các cuộc săn. Chúng tôi có mặt tại hai xã Long Phúc và Long Khánh thuộc huyện Bảo Yên khi những tia nắng sớm vừa lấn át màn sương dày đặc của tiết trời vùng cao.

Đó cũng là lúc nhiều nhóm người cầm cây gậy cùng đàn chó săn lang thang khắp các con mương ven cánh đồng săn bắt chuột và rắn. Từng tốp 3 - 4 người cứ cầm gậy thọc vào các bụi rậm, khi phát hiện "con mồi" là cả đoàn xúm lại vây bắt bằng được.

Đi sâu vào chân núi, tôi giật mình khi chứng kiến cảnh 4 người thanh niên vây một bụi rậm rồi tay trần lôi ra hai con trăn chuột thật khủng khiếp. Thấy bạn đồng hành tỏ vẻ lo lắng, anh Chiên, một trong 4 người ấy trấn an: "Trăn chuột cắn không nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ mất máu thôi. Vài ngày trước cả nhóm bắt được con rắn hổ mang chúa gần 1kg mang ra chợ huyện bán được gần triệu đồng".

Tôi lơ ngơ hỏi, các anh bắt bằng cách nào? Họ đua nhau trả lời: "Loài rắn không nọc độc thấy người là chúng chạy trốn ngay, còn loài rắn độc nó chống cự dữ lắm. Đặc biệt là loài rắn hổ mang, khi gặp nó phải cho đàn chó hiếu chiến vào trước. Rắn và chó lao vào cuộc chiến, khi rắn độc tập trung vào đàn chó thì mình lấy dây buộc chạc sẵn vào cây rồi siết cổ chúng, sau đó dùng tay cầm cổ cho vào tải mang về đem bán thôi".

Trời về khuya, chúng tôi theo chân một phường săn gồm 3 người ở xã Long Khánh tay cầm đèn pin đi sâu vào những quả đồi dưới chân núi Con Voi (thuộc huyện Bảo Yên). Đang nhẹ bước cùng mọi người bỗng nghe thấy tiếng động rào rào trên ngọn cây Đao, nhìn theo ánh đèn pin lấp lánh một con rắn hổ mang lớn đang bò trên ngọn cây Đao. Cả đoàn nhanh chân chặt cây, bẻ cành cầm sẵn trên tay phòng thủ.

Trong số họ cử một người tìm dây rừng rồi dùng cây hất con rắn rơi bộp xuống đất, chẳng mấy chốc con rắn hổ lớn đã nằm gọn trong bao tải kín. Không may thay một thành viên trong phường săn đã bị con rắn thổi hơi có nọc độc khiến bàn tay sưng tấy, đau nhức. Vậy là cả phường săn phải tức tốc đưa người ra Trạm y tế xã cấp cứu. Rất may đó không phải là vết cắn nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Xem nhẹ tính mạng

Sau khi đưa người đi cấp cứu cả đoàn lại kéo nhau vào rừng tiếp tục cuộc săn đêm. Càng về khuya, sương muối rào rào đổ xuống từ lá cây, ngọn cỏ khiến chúng tôi ướt sũng, nhưng cái lạnh thấu xương của miền núi cao không làm phường săn mệt mỏi.

Đi qua rất nhiều quả đồi, khe suối chúng tôi đến một vùng đất bằng phẳng ẩm ướt và có nhiều bụi rậm. Chăm chú nhìn theo ánh đèn sáng, trên bụi cỏ dại một con rắn có bụng màu vàng nghe tiếng động đang nhẹ nhàng trườn đi.

Nhanh như cắt, một thanh niên trong đoàn nhảy nhào lên tóm gọn con rắn nhưng đã bị hàm răng sắc nhọn của nó cắn vào ngón tay, máu ứa ra. Người thanh niên cười ha hả vui mừng vì đã có chiến lợi phẩm và cho biết đây là loài rắn không độc. Quan sát kỹ con rắn mới bắt được là rắn ráo, loài rắn không độc mà giá thành cũng cao nên được nhiều người săn tìm.

Do người mua không mua rắn chết nên muốn rắn bán được giá phải bắt sống
Do người mua không mua rắn chết nên muốn rắn bán được giá phải bắt sống

Được biết, ở trong các khu rừng rậm rạp, ẩm ướt có nhiều côn trùng và các loài lưỡng cư là nơi săn mồi lý tưởng cho nhiều loài rắn. Ở những khu vực đó thường tập trung rất nhiều loài rắn độc như rắn hổ mang chúa, hổ mang trâu, hổ mang gió, rắn cạp nia, cạp nong... và nhiều loài trăn khác. Nhưng thời gian qua do người dân săn bắt nhiều nên loài rắn đã giảm đi đáng kể. Để tìm được rắn, nhiều người đi hết cánh đồng này sang cánh đồng khác, hết quả đồi này sang quả đồi kia may ra mới săn được.

Theo những người trong phường săn thì loài rắn bắt được nhiều nhất là rắn cạp nong (khoang vàng khoang đen) và cạp nia (khoang trắng khoang đen). Loài rắn này sinh sản và phát triển nhanh.

Rắn cạp nong rất hiền nhưng rất độc, thường thì thấy chỗ nào sáng là chúng mò đến, đặc biệt là những người đốt đuốc sáng đi trên đường thậm chí còn bị chúng đuổi theo. Loài rắn này, người ta thường gặp ở ven đường nên chúng dễ dàng bị bắt nhất nhưng nếu không cẩn thận mà bị nó cắn thì mất mạng như chơi. Còn những loài rắn độc như hổ mang chúa thì nay đã trở nên quý hiếm.

Lúc này đã nửa đêm, phường săn mới bắt được hai con rắn. Hai chiếc đèn pin nạp điện đã cạn năng lượng, giờ trong tay chúng tôi chỉ còn hai chiếc đèn nhỏ nguồn sáng đỏ hoe le lói trong rừng thẳm. Càng sợ hơn khi chúng tôi được một thành viên trong đoàn nhắc nhở: "Ở đây cây cỏ rậm rạp, lớp thực bì dày, đèn lại không sáng nên mọi người đi đứng cẩn thận. Kẻo dẫm vào trăn, rắn là nguy hiểm lắm".

Rồi trên đường từ rừng về làng chúng tôi đã được nghe mọi người kể về câu chuyện hãi hùng mà những loài rắn độc từng cắn chết người và trâu bò ở vùng này. Chuyện là vài năm về trước có một người ở xã bên cạnh Lương Sơn khi đi chăn trâu thấy chó sủa vào hang, tưởng chuột nên đã thò tay vào bắt.

Ai ngờ bị một con gì đó cắn vào với hai vết rách sâu ở bàn tay. 30 phút sau cơ thể người đó nóng lên, thâm tím và mất nước rồi chết ngay sau đó. Khi ấy người ta đào hang xem và phát hiện một con rắn hổ chúa lớn. Đó là người bị rắn cắn không biết mà chết, còn chuyện những người săn rắn thường xuyên bị rắn cắn phải tháo khớp chân, khớp tay thì diễn ra thường xuyên ở hai xã Long Phúc và Long Khánh. Trong số đó không ít người đã phải cắt cả cánh tay, bàn chân. Nhưng họ còn may mắn hơn những người không kịp cứu chữa...

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đối với loài rắn độc như hổ mang chúa, hổ mang bành, hổ trâu hay cạp nong, cạp nia bán được giá nên nhiều người săn lùng, ngay cả những người đi đường mà gặp phải cùng ùa nhau vây bắt bằng tay trần rất nguy hiểm. Giá bán các loại rắn này dao động từ năm trăm ngàn đến một triệu đồng/kg tùy trọng lượng của mỗi con.

Ngoài săn rắn để bán cho những người nuôi và các thương buôn thì nhiều bài thuốc được họ giới thiệu từ trăn, rắn rất có ích để chữa các bệnh thường gặp như thiếu máu, giải cảm, tiêu đờm, động kinh, hen... Nhiều người còn quảng cáo rắn ngâm rượu có rất nhiều công dụng khác nữa nên không ít người đã bất chấp hiểm nguy để tìm săn... thần chết.

Bỏ mạng trong cuộc săn đêm

Anh Hoàng Văn Chiên, một người săn rắn kể: Đã có không ít người đi săn vào ban đêm bị rắn độc cắn. Nhẹ thì tàn phế, nặng thì chết ngay sau đó khoảng 30 phút. Đó là còn chưa kể đến chuyện đi rừng vào ban đêm dẫm vào gai, bẫy thú của dân, dẫm vào tre nứa dẫn đến bị thương.

Còn đối với những người săn bằng súng tự chế cũng nguy hiểm không kém, thường những người đi săn đêm đi một mình, khi đang rình săn một con thú nào đó mà cũng có người khác đang rình thì chuyện nhầm người thành thú là chuyện bình thường. Chính vì thế mà không ít người dân sinh sống quanh dãy núi Con Voi nhiều người đã bỏ mạng sau những cuộc săn đêm.

XEM THÊM
>> “Kỳ nhân” mù giỏi leo núi săn ba ba và rắn độc
>> Cầu kỳ món nhâm nhi từ Rắn trun
>> Đàn rắn nghe kinh, rơi lộp bộp trong ngôi chùa cổ