Nhà đầu tư thiếu vốnChiều 11.2, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Hồ Anh Tuấn- Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, trong văn bản Tata Steel gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 23.5.2013 có nêu: Vào năm 2007, Tata Steel và Tổng Công ty Thép Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ để nghiên cứu, thiết kế và phát triển một dự án thép liên hợp công suất 4,5 triệu tấn/năm tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Dự án này hoạt động dựa trên nguyên liệu đầu vào là quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê. Phía nhà đầu tư đã chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư với sự quyết tâm của tỉnh Hà Tĩnh và các bộ ngành liên quan.
Một dự án đang triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Dự án thép liên hợp này bao phủ diện tích tới 725ha tại Khu kinh tế Vũng Áng. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc tìm giải pháp tháo gỡ nhưng phía Tata Steel vẫn bế tắc trong việc đảm bảo nguồn vốn tạm ứng cho việc giải phóng mặt bằng khoảng hơn 5.000 tỷ đồng. Đây được coi là vấn đề mấu chốt gây trở ngại trong việc cấp phép đầu tư vì phía nhà đầu tư Tata Steel yêu cầu Chính phủ Việt Nam bỏ tiền giải phóng mặt bằng sau đó sẽ hoàn trả, nhưng do số tiền quá lớn gây khó khăn cho phía Việt Nam. Ngoài ra, do suy giảm kinh tế toàn cầu, thị trường tiêu thụ thép trên toàn thế giới hạn chế… buộc Tata Steel phải xin rút lại hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Ông Hồ Anh Tuấn cũng cho biết thêm, sự thực đến thời điểm này Tập đoàn Tata Steel vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Đón nhà đầu tư lớn khácTrả lời câu hỏi của phóng viên về lý do mà Tata Steel đưa ra là có sự chậm trễ trong phê duyệt dự án và môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức, ông Hồ Anh Tuấn khẳng định: Môi trường đầu tư tại Hà Tĩnh cởi mở, chỉ trong tháng 1.2014, đã có 2 tập đoàn lớn là Mitsubishi (Nhật Bản) và Samsung (Hàn Quốc) sang khảo sát và quyết định đầu tư. Tập đoàn Samsung đã đến Việt Nam khảo sát 6 địa điểm và quyết định chọn đầu tư tại Vũng Áng- Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III (tổng công suất 2.400 MW). Còn Tập đoàn Mitsubishi đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II (tổng công suất 1.200 MW), dự kiến vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD, sẽ khởi công trong quý I/2014 này.
Ông Hồ Anh Tuấn cho hay, đến nay tại Khu kinh tế Vũng Áng đã có 305 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đã có 86 doanh nghiệp có dự án đầu tư (38 dự án ngoài nước) với tổng mức đầu tư 16 tỷ USD.
Ông Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết: “Khi Tập đoàn Tata có mặt tại Việt Nam thì tỉnh Hà Tĩnh có hợp tác với chúng tôi để giúp thẩm tra việc đầu tư của dự án này, lúc đó, chúng tôi nhận định là Tata chỉ có ý định mua lại doanh nghiệp chứ không muốn đầu tư một dự án mới. Chúng tôi đã thông báo với tỉnh nhưng sau đó chúng ta vẫn cứ hy vọng Tata sẽ đầu tư dự án tại Vũng Áng. Cũng phải thừa nhận chúng ta chưa có năng lực sàng lọc những dự án FDI có khả năng thực hiện thực sự. Việc phân cấp đầu tư cho các địa phương cũng gây nên tình trạng chọn lựa các nhà đầu tư không tốt. Với dự án thép của Tata lẽ ra chúng ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư nhưng ta lại không làm nên phải chịu hậu quả thôi”. Mai Hương (ghi)
|