Dân Việt

Những nẻo đường tình yêu

Nguyễn Thanh Mừng 26/02/2014 19:01 GMT+7
Trí tuệ, tình cảm và dân gian quả thật kỳ diệu khi không bỏ sót sự quan tâm một lĩnh vực nào trong đời sống, kể cả một việc rất “hot” cho tới tận hôm nay là “an toàn giao thông”.
Hot bởi xưa nay, “an toàn giao thông” vốn vẫn thuộc “khu vực nhạy cảm” và cũng là những nẻo đường tình yêu.

Lấy chồng Bình Định, đương nhiên không thiếu việc tham gia giao thông đường dài: "Nước non ngàn dặm- Ra đi- Cái tình chi- Mượn mầu son phấn đền nợ Ô Ly".

Sau này, các thế hệ con cháu của Huyền Trân phải vái:" Gió đưa mười tám lá xoài- Mười hai lá mít, lạc loài tới đây"; "Muốn ăn bánh ít lá gai- Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi". Slogan cho lĩnh vực đi trong tình yêu, phải là câu: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo- Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua”.
img

Cuộc tham gia giao thông rơi ngọt ngào trong tiếng gọi yêu đương. Miền Trung lắm dốc nhiều đèo, anh con trai cảnh giác quá độ, xanh mặt trước cả sơn lộ lẫn thủy lộ vì sợ cướp lẫn sợ làm mồi cho hà bá: “Thương em anh cũng muốn vô- Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Dù vậy nàng không mắng “thế còn cái… gì mà thương”, trái lại đã khôn khéo : “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn- Truông Nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm”. Đấy, còn dám từ chối nữa không?

Nếu cô gái "đường dài" bắn tín hiệu an toàn mời gọi thì cô gái "đường ngắn" bắn tín hiệu phi an toàn để thử thách : “Nhà em có bụi mía mưng- Có con chó dữ, anh đừng lại qua”.

Nếu không đủ dũng khí, chàng trai nghe vậy chạy mất dép. Nhưng ngẫm kỹ lại, cái “bụi mía mưng” đâu phải là vật cản trên đường vào nhà? Có khi đó là dấu hiệu cô gái “chỉ điểm” nơi ẩn nấp ngọt ngào, để nếu anh qua, cô phát hiện trước khi con chó phát hiện.

Mà khi cô phát hiện thì “con chó dữ” chả là cái đinh rỉ gì, vì cô là chủ của nó, cô ra bụi mía dắt vào nhà hoặc cô ra… đưa anh ra tiếp bờ ao, bụi tre kín đáo hơn, ngắm trăng chơi! Còn ngắn hơn nữa, là đã vợ chồng rồi, tối phải ngủ riêng, “đường giao thông” bấy giờ là từ giường này tới giường nọ: “Chuột kêu chút chít sau rương- Anh đi cho khéo, đụng giường mẹ la”.

Ở văn cảnh này, bà mẹ là “cảnh sát giao thông”, giữa đêm khuya thanh vắng, nếu lỡ gây tiếng động thì giả vờ kêu chút chit, nghĩa là anh con trai phải trang bị vốn “ngoại ngữ chuột” để "qua mặt”, khỏi bị trách cứ, cảnh cáo vì "vi phạm luật giao thông"!

Chuyện đó chưa nguy bằng chuyện vui dân gian kể ví von: Ông nọ có hai vợ, bà vợ lớn nằm “cản trở giao thông” ngay giường giữa. Bà vợ bé thả mồi bắt bóng: “Đêm nay sông lặng sóng êm- Lái kia có muốn, ghé thuyền sang chơi”. Ông chồng đáp: “Thuyền hằng nhớ bến, bến ơi!-Mắc đồn quan thuế khó xuôi ngược đò!”. Bà vợ lớn cũng còn thức: “Sông kia ai cấm ai dò,- Muốn xuôi thì nộp thuế đò mà xuôi”.
img

Lại chuyện bán kẹo bến đò quê: Nghe tiếng trống đám ma cuối làng, anh chồng nghĩ mẹo cho đầy tớ để nó đi khuất mắt bằng cách xua đến bến đò bán kẹo. Người đầy tớ nghĩ bụng: “Quái! Sao bỗng dưng hôm nay lại bảo mình đi bán kẹo? Hẳn ở nhà có sự gì đây”.

Thế là anh ta giả vờ mang thùng kẹo kéo ra giữa đường rồi lẻn về ra đằng sau nhà, rình xem. Thấy người vợ hỏi đùa chồng: “ Về sau tôi chết, thì khóc là gì?”. “Tôi khóc là: “Em ơi, sao em bỏ anh, chứ là gì nữa?”. Người đày tớ nghe thấy thế, liền rao lên: “Ai mua kẹo ra mua!”. Anh chồng vội chạy ra quát: “Sao không xuống dưới đám ma mà bán!”. “Thưa ở đây có những hai đám ma còn không bán được đồng nào, nữa là đằng kia chỉ có một đám!”.

Cuộc tham gia giao thông lén lút của anh kẹo kéo bị lộ. Nhưng đó mới là lộ cấp thấp. Còn nhiều cái tầm quốc gia, không biết gọi… “quốc lộ” hay…"quan lộ”: “Sông Hương một chiếc thuyền nan - Một cô gái Huế, một quan đại thần”...

Đường tình yêu có nhiều phương thức, yêu nhau trên thuyền như ông quan đại thần kia, nếu giả dụ sơ sẩy rớt xuống nước gọi tai nạn giao thông đường thủy là đương nhiên...

Lan man chuyện an toàn giao thông trên những nẻo đường tình yêu nãy giờ, ngẫm ra nhớ lời bà mẹ, “Ra đi mẹ dăn lời này- Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”. Mẹ chỉ đạo nghiêm túc. Bởi bà biết, “Nghĩa nhơn ba gánh tràn trề- Gánh từ Tuy Viễn gánh về Bồng Sơn- Mẹ cha nào kể thiệt hơn- Bạc vàng nặng ít, nghĩa nhơn nặng nhiều!”.