Những nông dân biểu tình đã lái cả máy kéo, xe tải đến cuộc biểu tình, kêu gọi Chính phủ lâm thời trả tiền bán lúa theo chương trình hỗ trợ lúa gạo trước đó mà Chính phủ áp dụng để hỗ trợ nông dân. Người biểu tình cắm trại ngủ qua đêm bên ngoài tòa nhà Bộ Thương mại và cho biết sẽ quyết tâm bám trụ cho đến khi Chính phủ có cách giải quyết thỏa đáng cho họ.
Những người nông dân này cho biết họ đã mất lòng tin vào Chính phủ sau khi nhiều lần thất hứa thanh toán những khoản tiền mua gạo. Những người biểu tình này cũng đưa ra “tối hậu thư” cho Chính phủ trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 6.2, phải thanh toán đầy đủ số tiền còn nợ.
Nông dân rầm rộ xuống đường biểu tình ngày 7.2
Ngoài ra, nông dân cũng yêu cầu Chính phủ kiểm tra chất lượng gạo được bảo quản ở các kho dự trữ. Prasith Boonchuey - Chủ tịch Hiệp hội Nông dân trồng lúa Thái Lan cho biết, chính phủ hiện nợ nông dân khoảng 130 tỷ bath. Một nhóm nông dân từ Sing Buri, Chai Nat và Ang Thong đã gửi yêu cầu bằng văn bản cho Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia để thăm dò khả năng trả nợ của Chính phủ.
Winai Lamnoo- thủ lĩnh của nhóm biểu tình cho biết, nông dân đã chờ đợi 8 tháng nhưng Chính phủ đã nhiều lần thất hứa. Trong khi đó, phát ngôn viên của Đảng Vì nước Thái Prompong Nopparit cho biết, những nông dân đổ về Bangkok biểu tình là do một phong trào đứng phía sau kích động họ. Những người này được thông tin rằng Chính phủ đã không còn tiền để trả nợ và phải lật đổ Chính phủ.
Trong khi đó, thủ lĩnh phe biểu tình của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) - ông Suthep Thaugsuban cho biết, ông đang có ý định “cướp kho thóc” của Chính phủ để chia cho nông dân. Ông Suthep nói rằng: “Tôi đã bị buộc tội nổi loạn, nên thêm một tội cướp kho thóc cũng chẳng sao!”. Ông Suthep Thaugsuban cũng lớn tiếng lên án chính sách trợ giá gạo xuất khẩu. Theo ông, chủ trương trợ giá gạo chỉ nhằm mua phiếu cử tri cho đảng cầm quyền Puea Thai.
Trong ngày 7.2, các nhóm biểu tình của PDRC đã triển khai các kế hoạch để huy động thêm nông dân xuống đường biểu tình. Trên trang web cá nhân, ngày 7.2, Thủ tướng Yingluck cho biết, bà chia sẻ với những khó khăn của nông dân và vẫn quyết duy trì chương trình trợ giá gạo để giúp đỡ họ.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết việc chậm trễ thanh toán cho nông dân trong chương trình trợ giá gạo là do Quốc hội phải giải tán hồi tháng 12.2013.
Ủy ban Chống tham nhũng cũng đã mở cuộc điều tra nhắm vào chính Thủ tướng Yingluck, người bị coi là đã lơ là trong kiểm tra việc thực hiện chương trình trợ giá gạo.
|
Tờ "Nation" cũng dẫn lời bà Yingluck nói rằng, Chính phủ rất khó tìm các nguồn tài chính khi ở vào vị trí tạm quyền. Ngoài ra, chương trình trợ giá gạo còn bị Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia điều tra. Chính phủ của Thủ tướng Yinglick Shinawatra, được sự ủng hộ chủ yếu của cử tri tại các khu vực nghèo khó ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, đã thực hiện lời hứa khi tranh cử, năm 2011 đã quyết định mua gạo của nông dân nước này với giá cao hơn giá thị trường thế giới, để tăng thêm thu nhập.
Nhưng chương trình trợ giá gạo này không chỉ khiến Thái Lan mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ năm 2012, mà còn đang gặp nhiều chỉ trích như chính là nguồn cơn gây ra tham nhũng, hao hụt công quỹ và khiến lượng gạo tồn kho ngày càng lớn (được thẩm định là 20 triệu tấn).
Mối quan ngại về chương trình trợ giá gạo càng gia tăng sau khi một công ty của Trung Quốc hủy bỏ hợp đồng mua 1 triệu tấn gạo do đang có cuộc điều tra về tham nhũng. Ủy ban Chống tham nhũng của Thái Lan gần đây thông báo về việc quyết định khởi tố nhiều quan chức có liên quan đến chương trình này.