Những rào cản của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong tiếp cận nguồn vốn thương mại, một lần nữa là chủ đề đối thoại công – tư của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương diễn ra cuối tuần qua.
Các học giả, nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp đều đồng thuận rằng, khó khăn lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ở việc tiếp cận nguồn vốn thương mại.
GS Andrew Terry từ Đại học Sydney (Australia) cho rằng: Có 3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn thương mại, đó là lỗ hổng thông tin, thiếu tài sản thế chấp và môi trường mở. Các tổ chức tín dụng không có thông tin cụ thể, xác thực về tiềm năng vay của doanh nghiệp.
“Các tổ chức tín dụng không thể kiểm soát được việc góp vốn, đầu tư của doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn tới việc doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích. Tài sản thế chấp có thể giúp khắc phục lỗ hổng thông tin nhưng thiếu tài sản thế chấp lại là lý do phổ biến của việc doanh nghiệp bị các tổ chức tín dụng từ chối cấp vốn. Nguồn vốn cho khởi nghiệp chủ yếu là vốn tự có, hoặc từ gia đình, bạn bè” - ông Terry cho biết.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đinh Mạnh Hùng thì cho biết: Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Trong những doanh nghiệp không vay vốn, có 40,5% lượt doanh nghiệp nêu lý do lãi suất cao, kinh doanh không đủ hiệu quả trả lãi; 21,1% cho biết do thị trường tiêu thụ thu hẹp; 18,6% doanh nghiệp đã tìm được kênh huy động vốn khác, và chỉ có 2,7% doanh nghiệp do có nợ xấu nên không vay được vốn.
Trong khi đó, bà Hà Thu Giang- đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ: Có cả những khó khăn từ phía các tổ chức tín dụng. Đó là tỷ lệ nợ xấu cao, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn trong khi nhu cầu vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu là dài hạn.