Nói về nguyên nhân khiến nông dân phải bỏ ruộng, TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng IPSARD cho rằng: “Có 2 nguyên nhân. Trước hết là do hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp do quy mô sản xuất quá hẹp, nên dù có lời chút đỉnh cũng chẳng đáng là bao so với tổng thu nhập của hộ gia đình. Thứ 2, thu nhập của đa số nông dân Việt Nam chủ yếu chỉ đủ cho tái sản xuất giản đơn giản, chứ không có tích lũy”.
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Làm ruộng, sinh hoạt khó khăn là vậy, song giá trị mỗi hạt lúa người nông dân làm ra không đáng là bao, trong khi các chi phí để sản xuất ra hạt lúa từ công thuê cày bừa, thu hoạch đến phân bón, thuốc trừ sâu… đều tăng, càng làm nhiều ruộng càng lỗ nặng. Trong khi đó ở nhiều vùng, người dân chỉ cần đi làm thuê bằng các nghề như phu hồ, cửu vạn hay chạy chợ, mỗi ngày tiền công cũng bằng cả cấy 1 sào ruộng. Vì thế, chuyện bỏ ruộng có lẽ là điều tất yếu mà chúng ta cần phải chấp nhận, nhưng chấp nhận như thế nào mới là điều quan trọng.
Không thể phủ nhận, trong suốt thời gian qua, Nhà nước đã có hàng loạt chính sách để hỗ trợ người trồng lúa, trong đó điển hình là việc Quốc hội thông qua nghị quyết về việc giữ và đảm bảo 3,8 triệu ha đất trồng lúa, rồi Chính phủ ban hành Nghị định 42 về hỗ trợ người trồng lúa với mức 500.000 đồng/ha, cùng hàng loạt các chính sách khác như cho vay ưu đãi mua máy móc sản xuất và giảm tổn thất sau thu hoạch, đến cả các giải pháp về dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn… Song dường như những “liều thuốc” trên vẫn không đủ để người nông dân yên tâm gắn bó với ruộng đồng.
Nước ta hiện có khoảng 40 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp - con số hết sức lớn, song diện tích canh tác bình quân ở đồng bằng Bắc Bộ chỉ là 1,5-2 sào/đầu người. Cứ cho là Nhà nước đủ sức hỗ trợ họ toàn bộ chi phí sản xuất, thì 1 sào lúa (canh tác trong 4 tháng) cũng chỉ làm ra 200kg thóc (tương đương 1 triệu đồng), như vậy thì làm sao đủ sống, chứ chưa nói đến việc có chi phí để tái sản xuất.
Đã đến lúc chúng ta cần chấp nhận thực tế rằng, cần rút nhanh lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ có điều kiện tích tụ đất đai làm ăn lớn. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu để ruộng đất tập trung vào một số người lại thành tích tụ tư bản, song chúng ta cần phải nhìn nhận thẳng thắn để bỏ tư duy “người cày có ruộng”, tức ai cũng được chia ruộng từ đó mới dẫn đến nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Chúng ta cần một cuộc “cách mạng” trong tổ chức sản xuất bằng cách tạo hành lang, cơ chế cho những người có nhu cầu, có điều kiện được tích tụ đất đai, sản xuất lớn. Nếu không vẫn với cách thức tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, dẫu Nhà nước có ban hành thêm nhiều chính sách nữa, vẫn không ngăn được thực tế là nông dân đang bỏ ruộng.