Ngay sau có kết quả POR9, doanh nghiệp Việt Nam “đạp” nhau bán có 1,4 USD. Phải chăng doanh nghiệp thích được Mỹ duy trì vụ kiện, duy trì thuế chống bán phá giá?
Đầu tuần trước, bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Mức thuế của hai doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc gồm công ty Vĩnh Hoàn phải chịu là 0,03 USD/kg và công ty Hùng Vương là 1,2 USD/kg. Riêng mức thuế suất toàn quốc là 2,11 USD/kg, không thay đổi so với kết quả sơ bộ; còn thuế riêng lẻ cho các bị đơn tự nguyện khác ở mức 0,42 USD/kg.
Thực tế, 23 giờ đêm ngày 31.3 (theo giờ Việt Nam), kết quả thuế chống bán phá giá được đăng tải trên công báo Liên bang Mỹ thì ngày hôm sau, 1.4, thị trường nguyên liệu cá tra tại Việt Nam vẫn im ắng ở mức 25.500 – 26.000 đồng/kg. Nhưng, “sóng” đã nổi trên mặt bằng giá xuất khẩu vào Mỹ. Đang từ mức 1,7 – 1,9 USD/pound (giá FOB – cảng Việt Nam), tương đương khoảng trên 3,5 USD/kg, doanh nghiệp liền hạ giá bán xuống còn 1,4 – 1,5 USD.
Đồng thời, thị trường cũng chứng kiến chiến dịch tranh giành khách hàng. Doanh nghiệp chịu thuế suất cao thì tìm đến doanh nghiệp không bị thuế “nhờ” xuất uỷ thác. Họ đưa nguyên liệu, bao bì, thậm chí cả nhân công, cán bộ kỹ thuật vào để các nhà máy này làm gia công. Cũng có những đại gia có thuế suất thấp, nhưng nguyên liệu tự nuôi được lại quá ít, đành phải âm thầm “đẩy” giá để mua gom bên ngoài.
“Trước đây, dự tính mỗi công hàng kiếm lời năm, mười ngàn đôla, thì nay chỉ cần ít thôi. Phương châm là lấy được khách hàng, bán giá thấp cũng ok”, một doanh nghiệp hùng hồn.
Tại sao chịu thuế cao mà doanh nghiệp vẫn hồn nhiên bán giá thấp? Giải đáp thắc mắc này, một nhân sự bảo rằng, nếu nhìn vào danh sách thì đang có tới hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ, nhưng “cuộc đua” thật sự chỉ có vài ba cái tên. Những đại gia này, họ bán giá thấp để giành khách hàng, lợi nhuận trên mỗi ký cá tuy ít, nhưng sẽ thành cấp số nhân nếu xuất được nhiều. Vì tính ra, riêng thị trường Mỹ, mỗi năm nhập khẩu khoảng 5.000 container cá tra, tương đương khoảng 350 triệu USD. Nếu giành được một nửa hợp đồng trong số này, với lợi nhuận chỉ cần khoảng vài ngàn đôla mỗi container, thì doanh nghiệp cũng bỏ túi hàng chục triệu đôla.
Xuất khẩu cá tra, duy nhất thị trường Mỹ có ban điều hành. Sau mỗi lần DOC công bố thuế chống bán phá giá, ban này lại ngồi lại với nhau bàn cách đối phó. Nhưng sau buổi họp, họ ra về, và lại tìm cách “chọc sau lưng nhau” để bán phá giá.
Còn nhớ, trong một hội thảo về vấn đề này, ông B. Schoroth, đại diện một văn phòng luật sư tại Mỹ, chuyên tư vấn pháp lý vụ kiện chống phá giá cá tra cho doanh nghiệp Việt Nam, đã cảnh báo: “Việc liên tục tăng sản lượng xuất khẩu và giảm giá bán cá tra vào thị trường Mỹ sẽ khiến Việt Nam khó có cơ hội để phía Mỹ rút ra khỏi vụ kiện!” Do đó, để tránh bị phía Mỹ “nhòm ngó”, theo ông, doanh nghiệp phải bán từ 1,65 – 1,7 USD/pound (nửa ký) trở lên mới an toàn.
Thế nhưng, ngay sau có kết quả POR9, doanh nghiệp Việt Nam “đạp” nhau bán có 1,4 USD. Phải chăng doanh nghiệp thích được Mỹ duy trì vụ kiện, duy trì thuế chống bán phá giá?