Nguồn vốn này không chỉ hỗ trợ cho AGPPS trong sản xuất lúa gạo, mà sẽ còn là liều thuốc “tăng lực” cho người trồng lúa.
Tăng thu nhập từ cánh đồng lớnAnh Phan Văn Hồ đang canh tác 10ha lúa tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, An Giang đã tham gia từ những năm đầu thí điểm “cánh đồng mẫu lớn”. Đưa chúng tôi đi thăm đồng lúa 60 ngày tuổi xanh rờn, anh Hồ phấn khởi cho biết: “Vụ thu đông vừa rồi, tôi làm đạt năng suất 6,5 tấn/ha, cao hơn trước chút đỉnh, nhưng đỡ tốn tiền chi phí nhiều khâu khác nên tính ra lãi nhiều hơn lúc chưa tham gia CĐL”.
Theo anh Hồ, tham gia CĐL, nông dân như anh không phải lo giống kém chất lượng, cũng không phải lo về phân bón và thuốc trừ sâu, hay bị ép giá lúc bán lúa. Mấy năm nay cũng không còn nỗi lo chạy vạy chuyện phơi sấy, rồi nơi chứa lúa… Tất cả khâu này đều có phía doanh nghiệp lo.
Anh Du Soh ở xã Phủm Soài, huyện Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang cũng được hưởng lợi nhiều từ khi tham gia CĐL. Anh cho biết: Gia đình có 3 công (3.000m2) đất sản xuất lúa, vụ đông xuân vừa rồi tôi đã tham gia CĐL. Nhiều nông dân ở đây có vài ba công đất cũng vừa tham gia vào CĐL. Từ khi tham gia, gia đình tôi và bà con trong xã không còn lo cảnh cứ tới mùa thu hoạch là bị thương lái ép giá.
Gói Hợp đồng tín dụng hỗ trợ 70 triệu USD được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 35 triệu USD. Giai đoạn 1 đã được AGPPS đầu tư trọn vẹn vào các hạng mục phục vụ cho mô hình CĐL (nhà kho, hệ thống sấy lúa, xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân…
Dự kiến, giai đoạn 2 (35 triệu USD) cũng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho các hoạt động cũng như cơ sở vật chất, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ mô hình.
|
Nói về việc phải tổ chức làm CĐL, ông Huỳnh Văn Thòn- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AGPPS cho biết: “Nông dân cũng như những ai có quan tâm đến nông nghiệp đều biết rằng vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là “điệp khúc được mùa mất giá”.
Người chịu thiệt thòi nhiều nhất không ai khác chính là nông dân. Chính vì thế, chúng ta nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất thông qua mô hình CĐL”.
Theo thống kê, trong năm 2013 đã có hơn 20.000 nông dân các tỉnh ĐBSCL (nhiều nhất là An Giang) tham gia CĐL do AGPPS tổ chức với tổng diện tích trên 48.500ha. Con số này đã và đang tăng lên từng vụ mùa. Chỉ riêng trong vụ đông xuân (2013 – 2014), AGPPS đã ký hợp đồng với hơn 13.600 nông dân với tổng diện tích hơn 30.000ha (tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Long An) tham gia CĐL.
Tham gia mô hình CĐL, nông dân được công ty cung ứng giống lúa, thuốc, phân bón với lãi suất 0% suốt mùa vụ. Nông dân còn được miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy; miễn phí gửi kho 30 ngày (nếu nông dân muốn lưu lại chờ giá hợp lý theo ý mình).
Doanh nghiệp - nông dân “bắt tay” chặt hơn
Kỹ sư “3 cùng” với nông dân Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết: “Để thuyết phục và tạo sự tin tưởng cho nông dân khi tham gia CĐL, chúng tôi đã đưa lực lượng “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) vào tham gia CĐL. Lực lượng “3 cùng” này của AGPPS hiện nay có hàng ngàn kỹ sư nông nghiệp, có mặt trực tiếp tại 12.000 điểm, mô hình (trong đó có mô hình CĐL) trên cả nước để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân”.
Anh Trần Ngọc Điệp -nông dân tham gia CĐL ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) cho biết: “Thông qua lực lượng kỹ sư “3 cùng”, nông dân chúng tôi được tiếp cận với những kỹ thuật mới, nâng cao được năng suất, chất lượng lúa, cụ thể là giống lúa, vì thế chúng tôi không ngại tham gia CĐL”.
|
Theo ông Thòn, điều làm cho công ty phấn khởi không phải là được vay ưu đãi bao nhiêu, quan trọng hơn đó là AGPPS đã tìm ra được một tổ chức hiểu và ủng hộ hoạt động của mình.
“Hợp đồng tín dụng này cho thấy Standard Chartered ủng hộ chiến lược và mục tiêu phát triển của chúng tôi. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tổ chức này bơm vốn vào nông nghiệp, cụ thể là ngành trồng lúa tại Việt Nam, chứng tỏ nông nghiệp của chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để phát triển” – ông Thòn chia sẻ.
Để tiêu thụ lúa cho nông dân, AGPPS đã xây dựng 5 nhà máy gạo tại Vĩnh Bình, Thoại Sơn (An Giang), Vĩnh Hưng (Long An), Tân Hồng (Đồng Tháp), Hồng Dân (Bạc Liêu). Dự kiến đến năm 2018, công ty sẽ hoàn thành 12 nhà máy, mỗi nhà máy có công suất 200.000 tấn/năm (đáp ứng tổng diện tích 360.000ha).
Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết: “Mô hình CĐL đã tạo nên những thay đổi đáng kể cho bộ mặt nông thôn An Giang, cùng đời sống của bà con nông dân khi doanh nghiệp tiến hành đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ở những vùng xa, những nơi còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh. Quan trọng hơn nữa là nông dân đang tiếp thu và bắt tay cùng công ty xây dựng “chuỗi liên kết sản xuất” hiệu quả, bền vững”.