Cộng đồng người Chăm ở An Giang hiện có hơn 2.000 hộ với trên 12.700 người, tập trung ở 9 làng thuộc huyện An Phú và Thị xã Tân Châu. Đa số bà con là tín đồ Hồi giáo, chủ yếu sống bằng nghề dệt vải, thêu đan.
Đồng bào Chăm nơi đây hầu như nhà nào cũng có những khung cửi để dệt những tấm vải may trang phục cho gia đình và để bán. Vì vậy họ càng có điều kiện làm thăng hoa những vẻ đẹp ấy vào sản phẩm truyền thống của mình.
Người Chăm vốn cũng rất coi trọng yếu tố đứng đắn về trang phục. Với bàn tay khéo léo của tộc người giàu khả năng sáng tạo này, thổ cẩm Chămpa An Giang không chỉ đảm bảo được tính “e ấp” theo quy định của Thánh kinh Cô – ran, mà thông qua nét hoa văn, màu sắc sống động còn làm bật lên nét kiêu sa đầy hấp dẫn gọi mời từ bên trong lớp tơ óng ánh.
Thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống trong lao động (thêu nổi).
Trước đây tập tục “Cấm cung” chiếc mạng che mặt cùng những qui định nghiêm khắc đã trói buộc, ngăn cách người Chăm với cộng đồng. Chuyện những cô gái Chăm bị “cấm cung” chỉ quanh quẩn bên khung dệt, không được ra ngoài, không biết mặt người chồng tương lai... Hiện nay tập tục ấy không còn nữa. Các cô gái đều được hoà nhập vào cộng đồng, đến trường và tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa phương.
Dù đã hòa nhập cuộc sống hiện đại, nhưng phụ nữ Chăm An Giang vẫn trung thành với cái thần và độc đáo nhất trong nữ phục chính là chiếc xà – rông truyền thống mà hình ảnh đặc trưng là áo dài quá gối, rộng, tay bít tà, cổ hình trái tim, nhưng họ đã nâng chiếc áo cổ xưa lên tầm cao mới bằng nghệ thuật dệt hoa văn chìm (patyh) rất độc đáo, với sự hội tụ của thế giới sắc màu hoa văn, đường nét.
Không giới hạn trong những gam màu nóng – lạnh, chính những biến tấu lạ về màu trong sáng tạo hoa văn đã tạo nên sự độc đáo của chiếc xà – rông Chăm An Giang. Vẫn trắng –đen – xanh – đỏ – tím – vàng... nhưng với kỹ thuật nhuộm tơ “thắt gút” đã cho ra đời những tấm xà – rông vân mây với sự đậm nhạt đầy khoan nhặt, thoạt trông như khóm mây đang phiêu bồng theo bước chân cô gái Chăm đầy sức sống.
Phụ nữ Chăm với trang phục truyền thống đi tham gia Tết Roya Haji.
Không thể nào diễn tả hết nét đẹp của người phụ nữ Chăm với trang phục truyền thống. Đặc biệt chiếc mạng che mặt ngày nay đã trở thành chiếc khăn Pưm choàng tóc (khăn thêu) trên mái tóc đen tuyền, nó tô điểm làm tôn thêm vẻ đẹp của các cô gái Chăm An Giang, đây chính là tác phẩm nghệ thuật được trau chuốt bằng kỹ thuật thêu nổi, rua chìm để tạo nét duyên thầm... lấp lánh.
Phụ nữ Chăm rất đẹp, trong bộ trang phục truyền thống càng thêm duyên dáng. Các cô gái Chăm tha thướt trong chiếc xà – rông, duyên dáng với chiếc choàng truyền thống trên mái tóc đen tuyền.
Nét duyên dáng của cô gái Chăm xuất phát từ bên trong, với vẻ e ấp dịu dàng nhưng cũng rất mạnh mẽ. Vẻ đẹp của họ toát lên từ thần thái, đặc biệt đôi mắt của cô gái Chăm có sức thu hút mãnh liệt, đầy quyến rũ. Đôi mắt đẹp ẩn chứa nhiều tâm sự, làm nao lòng người.
Mariyah (dân tộc Chăm) làng Phũm Soài, xã Châu Phong – Tân Châu – An Giang chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Aly bên khung dệt thổ cẩm với trang phục truyền thống. Thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống lao động thêu nổi. Thiếu nữ Chăm với chiếc khăn Pưm choàng tóc (khăn thêu) trên mái tóc đen tuyền Phụ nữ Chăm với trang phục truyền thống dự lễ hội. Phụ nữ Chăm với trang phục truyền thống đi tham gia Tết Roya Haji.