Nhưng trái ngược với sự bề thế đó, số lượng học viên đào tạo ở đây lại quá ít dẫn đến tình trạng hàng chục phòng học, xưởng thực hành của trung tâm phải đóng cửa gây lãng phí lớn.
Hoạt động èo uộtChúng tôi không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến cơ ngơi quá đồ sộ, với trang thiết bị đầy đủ và khá hiện đại của Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng (ở xã Trà Thủy, gọi tắt là trung tâm). Được biết trung tâm được bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 9.2013, với kinh phí đầu tư khoảng 32 tỷ đồng, do Tổng Công ty Lương thực Miền Nam tài trợ xây dựng.
Công trình có diện tích 10.835m
2, bao gồm 11 phòng dạy lý thuyết (40 học viên/lớp); 4 nhà xưởng thực hành; khu nội trú đảm bảo nơi ở cho khoảng 250 học viên... Trung tâm được phép đào tạo khoảng 32 nghề khác nhau, với tổng số học viên ít nhất khoảng 400 em/khóa (3 tháng) và 1.200 em/năm.
Dãy nhà chính của Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng.
Dù đầy đủ nơi ăn, chốn ở, khu học tập và nhà xưởng nhưng tình trạng học viên tại đây lại rất èo uột. Do số lượng học viên quá ít, nên nhiều lớp học, xưởng thực hành... đã phải "cửa đóng, then cài" nhiều tháng nay, bụi bặm bám đầy.
Ông Hạ Huy Tiến - Giám đốc trung tâm, cho biết: “Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, mới có vài chục lớp nghề được đào tạo. Từ đầu năm 2014 đến nay, trung tâm mới mở được 5 lớp nghề quấn chổi đót, kỹ thuật xây dựng, phòng chống dịch cho gia súc gia cầm... với tổng số học viên 150 em”.
Nâng cấp lên trường có khá hơn?Được biết để có học viên, ngoài thông báo trên đài phát thanh huyện, trung tâm còn gửi văn bản chiêu sinh về tận các xã. Nhiều đêm cán bộ và nhân viên của trung tâm còn chia nhau lặn lội đến tận các thôn, bản của huyện để chiêu sinh nhưng vẫn không tuyển được.
Theo ông Tiến, việc đào tạo hoàn toàn miễn phí, với học viên thuộc hộ nghèo, chính sách còn được hỗ trợ 15.000đ/ngày/người... Thế nhưng rất nhiều nghề đào tạo không có "đầu ra" nên lao động trên địa bàn không muốn đến học. Hiện trung tâm đã có đề án trình lên cấp thẩm quyền huyện, tỉnh xin được nâng cấp lên thành Trường Trung cấp nghề Trà Bồng.
Ông Tiến cho biết: Với quy mô và trang thiết bị hiện có của trung tâm, nếu được chấp thuận thì ngân sách nhà nước sẽ không cần đầu tư gì thêm. Khi được lên trường, với thời gian đào tạo dài và bài bản hơn sẽ đáp ứng được trình độ chuyên môn theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, với tập quán không muốn đi xa của lao động là người thiểu số ở địa phương; địa bàn tuyển dụng sẽ mở rộng sang những huyện miền núi khác như Tây Trà, Sơn Hà...và cả vùng lân cận của tỉnh Quảng Nam. Như vậy, số lượng học viên sẽ tăng lên.
Ông Hồ Văn Thế - Bí thư huyện Trà Bồng, xác nhận: Huyện đang cân nhắc giữa 2 phương án sáp nhập trung tâm nghề vào trung tâm hướng nghiệp dạy nghề; hoặc nâng cấp trung tâm nghề lên trường trung cấp nghề để tránh lãng phí cơ ngơi trung tâm như hiện nay.