Nhân viên văn phòng là khách hàng mà mô hình mua hàng theo nhóm muốn nhắm tới nhất. Ảnh: B.Nhơn |
Mua hàng theo nhóm là hình thức nhiều người cùng mua một sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua một công ty trung gian (được giao dịch qua một trang web) trong khoảng thời gian quy định để được hưởng mức giá ưu đãi.
Loại sản phẩm này sẽ được giảm giá 30%-90% (so với giá bán ngoài thị trường) nếu như có đủ lượng người cùng đặt mua trong một khoảng thời gian cố định.
Mô hình này xuất xứ từ Mỹ, sau đó lan sang châu Á. Ở Việt Nam, mô hình này bắt đầu dấy lên trong giới trẻ, sinh viên, học sinh và gần đây ảnh hưởng rất lớn tới thị hiếu, nhu cầu mua sắm của giới văn phòng, công sở.
Các sản phẩm được chọn mua chung phổ biến của hình thức này thường là thẻ ăn, phiếu ăn, dịch vụ làm đẹp, vé xem phim, xem kịch...
Với một phiếu ăn trị giá khoảng 200.000 đồng, khi đáp ứng đủ số lượng người mua qua các trang mạng này thì khách hàng chỉ phải trả 80.000-100.000 đồng (tiết kiệm 50%-60%).
Tuy nhiên, không phải bất kỳ dịch vụ hay sản phẩm nào chỉ cần đặt mua là có hàng, mà phần lớn phải đủ một số lượng tối thiểu mới kích hoạt chế độ giảm giá này.
Hình thức thanh toán của loại dịch vụ này cũng đa dạng và phong phú. Khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp (thẻ mua được giao tại nhà và đưa tiền trực tiếp), chuyển khoản thông qua hình thức Internet banking, thanh toán bằng thẻ tín dụng, tiền ảo và điểm tích lũy...
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, ngoài mảng thanh toán, khâu giao hàng và bảo mật thông tin được khách hàng khá quan tâm, nhiều khách hàng ngại các trang web thiếu thông tin bảo mật hoặc nạn spam tin nhắn quảng cáo mà không đưa ra thao tác từ chối nhận tin.
Hiện có nhiều DN học theo mô hình này. Nhưng để có được sự thành công và phát triển bền vững, bảo đảm doanh thu tốt, DN sẽ cần hiểu thị trường, tâm lý người tiêu dùng, có kỹ năng làm thương mại điện tử, tiết kiệm chi phí vận hành một cách tối đa...