Dân Việt

Phó Đại sứ Việt Nam tại Ukraine nhận định về tình hình căng thẳng

Lao Động 03/03/2014 10:47 GMT+7
Theo ông Nguyễn Phan Hồng Hải, Tham tán, Phó Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, nguy cơ "đại chiến giữa Nga và phương Tây" tại Ukraine sẽ không xảy ra.
Kịch bản xấu nhất của Ukraine là nguy cơ ly khai, và tiếc thay, đây lại là kịch bản hiện thực nhất trong thời điểm này - Tham tán, Phó Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Phan Hồng Hải nhận định. Ông cho rằng, nguy cơ "đại chiến giữa Nga và phương Tây" tại Ukraine sẽ không xảy ra. Ông Hồng Hải vừa có cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh sự kiện nóng bỏng này.

Phó Đại sứ có thể cập nhật diễn biến mới nhất về căng thẳng hiện nay?

- Diễn biến căng thẳng tại Ukraine đang hết sức phức tạp. Ngay cả những chuyên gia sở tại uy tín, cũng như trên thế giới, đều có chung nhận định: "Không thể dự đoán trước điều gì, mà phải theo dõi từng giây, từng phút".

Hôm 1.3, tôi có trao đổi với Tổng Thư ký Hội hữu nghị Ukraine - Việt Nam tại Kiev. Ông tỏ ra hết sức lo lắng và hy vọng "ngày mai trời lại sáng, để mọi chuyện diễn biến tốt đẹp lên". Song quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của chính phủ Ukraine, trong một đối thoại với tôi, có nói rằng: "Kịch bản buồn nhất, xấu nhất của Ukraine là ly khai. Tiếc thay, đây lại là kịch bản hiện thực nhất trong thời điểm này".

Ukraine cảnh báo nguy cơ chiến tranh với Nga, sau khi Nga điều quân đến bán đảo Crimea. Mỹ cũng đe dọa "sẽ trừng phạt" nếu Nga đưa quân vào Ukraine. Có bi quan khi nhận định Ukraine đang như "thùng thuốc súng" chờ nổ?

- Như tôi đã nói ở trên, diễn biến thực sự khó lường. Vì, Ukraine không thể tự quyết định được vận mệnh của mình trong lúc này. Chính sách của Ukraine trong vòng 21 năm qua, qua 4 đời tổng thống và các lực lượng chính trị thay nhau lên nắm quyền, bề ngoài đều nhấn mạnh đến chính sách cân bằng giữa Đông và Tây.

Tức, họ tích cực đẩy mạnh quan hệ với láng giềng Nga - nơi có những mối quan hệ, có thể nói, máu thịt về văn hóa, lịch sử. Nga cũng có lượng kiều dân đông đảo ở Ukraine.

Song Ukraine cũng đồng thời triển khai chính sách hướng Tây, tức tăng cường quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) nhằm tiến tới ký hiệp định liên kết theo mô hình dân chủ của phương Tây. Ukraine đang chờ đợi phương Tây thực hiện những lời hứa, mà từ góc độ cá nhân tôi đánh giá, chỉ là hão huyền.

Phương Tây cam kết sẽ rót tiền để thực hiện kế hoạch "Marshall" tại Ukraine (như chương trình viện trợ của Mỹ cho Châu Âu sau Đại chiến thế giới II), song tôi cho rằng, đây chỉ là "bánh vẽ", chủ yếu mang tính trục lợi là nhiều hơn.

img
Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường của Nga vẫn thường trực ở Biển Đen.

Nguy cơ chiến tranh: Nga không muốn và Mỹ cũng không

Thế giới đang dồn sự chú ý vào Ukraine, với những cảnh báo "nóng" về "nguy cơ đại chiến Nga - EU" có thể nổ ra tại đây. Từ góc độ phân tích của ông, liệu kịch bản này có diễn ra?

- Có thể thấy rất rõ sự tranh chấp giữa Đông và Tây đang diễn ra mạnh mẽ ở Ukraine. Ukraine là địa bàn địa chính trị quan trọng nhất đối với an ninh của Nga, nên chính quyền Nga, tất nhiên, không thể bỏ qua những diễn biến vừa qua. Đêm qua, tôi có thức suốt đêm để đọc tất cả các luồng, các ý kiến trái chiều để đoán định liệu có xảy ra cuộc chiến Đông - Tây tại Ukraine không? Với những diễn biến cho đến thời điểm này, tôi cho rằng, câu trả lời sẽ là: Không.

Vì sao, thưa ông?

- Các nước lớn sẽ phải ngồi vào với nhau và đi đến một thỏa hiệp trên lưng Ukraine. Không ai muốn có chiến tranh cả. Nga không muốn và Mỹ cũng không. Tất cả các hành động của Nga, cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ là biểu dương lực lượng. Sức mạnh quân sự của Nga hiện đang tăng, dù có khó khăn về phát triển kinh tế.

Sức mạnh mềm của Nga với Ukraine là cực kỳ lớn. Có câu: "Nước xa không cứu được lửa gần". Nga ngay sát cạnh Ukraine, sự gắn bó máu thịt trong quan hệ với Ukraine là chắc chắn. Trong lúc Mỹ không chỉ ở xa, mà còn đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế và sự sa lầy quân sự ở nhiều điểm "nóng" thế giới.

Trong khi đó, Châu Âu chưa thoát khỏi "bóng ma" nợ công. Họ cũng rất oải và không đủ điều kiện, không đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine. EU sẽ không vì cái gọi là "cách mạng dân chủ ở Ukraine" để đối đầu với Nga vào lúc này.

Đổi lại, Nga mặc dù vẫn có thể căng hơn nữa, dấn thêm nữa vào tình hình căng thẳng ở Ukraine, song chắc chắn, cũng phải tính tới điểm dừng. Vì Nga cần bán khí đốt sang Châu Âu, trong bối cảnh kinh tế có những khó khăn nhất định. Nga cũng cần phải có quan hệ quốc tế, để không rơi vào tình trạng cô lập như thời kỳ chiến tranh lạnh. Song, tôi có thể nói ưu thế đang thuộc về Nga, chứ không phải phương Tây.

Thưa ông, trước đây, Ukraine đã đối mặt với căng thẳng ly khai này chưa?

- Thực sự, đây là hậu quả của lịch sử để lại. Ly khai ở Crimea có lịch sử hết sức lâu đời từ thời Sa hoàng ở Nga. Cuộc chiến ở Crime đã kéo dài mấy trăm năm dưới thời Sa hoàng, với những hậu quả rất lớn cho nước Nga trong lịch sử. Đây là mảnh đất đầy rẫy phức tạp và biến động. Yếu tố ly khai ở Crimea tiếp tục xuất hiện dưới thời Xô Viết, khi bán đảo này được trao cho Ukraine. Và chính quyết định này là mầm mống tạo ra những diễn biến bất ổn hiện nay.

Như vậy, với nhận định của ông, nguy cơ ly khai là nhãn tiền, song "đại chiến Đông - Tây" sẽ không nổ ra tại Ukraine?

- Phong trào ly khai chắc chắn sẽ ngày càng lan rộng, và chính quyền sở tại sẽ không thể kiềm chế được. Đây là công việc nội bộ của người Ukraine. Là sự đối đầu giữa lực lượng thân phương Tây và thân Nga. Nguy cơ ly khai không chặn được, song sự đối đầu quân sự giữa Đông - Tây tại Ukraine sẽ không diễn ra.

- Xin cảm ơn Phó Đại sứ!

Ông Nguyễn Phan Hồng Hải: Đại sứ quán sẵn sàng di dời kiều bào trong trường hợp có chiến sự. Ukraine là quốc gia có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp nhiều năm nay. Tôi nghĩ rằng, mỗi người Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài, đều rất quan tâm dõi theo tình hình này, vì nó không chỉ ảnh hưởng nhất định đến quan hệ giữa Việt Nam với chính quyền sở tại của Ukraine, mà đồng thời còn ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng hơn chục nghìn người Việt Nam ở Ukraine. Các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong thời gian qua, không kể ngày đêm, luôn quan tâm sát sao diễn biến tình hình để kịp thời bảo vệ lợi ích cộng đồng. Đại sứ quán cũng đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, bao gồm di dời người dân trong trường hợp xảy ra chiến sự.