Người thợ với đôi bàn tay khéo léo
Bước chân đi thêm chừng một đoạn, thấy bên bếp than đang cháy rực lửa, một người đàn ông Cơtu khoảng ngoài 70 tuổi đang tán một cái cào cỏ mà tiếng Cơtu gọi là vin. Vừa quệt vết nhọ và ngẩng mặt nhìn, ông bảo chúng tôi ngồi chờ để ông làm nốt việc.
Ông giới thiệu tên là Cooh Tám rồi cho chúng tôi biết: Đời ông nội, đời cha rồi đến đời ông làm cái nghề thổi lửa cho tôi đến ngày hôm nay chỉ để giúp bà con, anh em, họ hàng trong làng để bà con có vật dụng làm rẫy, đi rừng chặt cây, săn bắt, kiếm củi... mà không biết đến đồng tiền. Chẳng còn nhớ đôi tay mình đã rèn nên bao nhiêu vật dụng nào cào cỏ (vin), rựa (achí), dao (đhao), liềm (ga'nặt), rìu (chuông), đồ chọc tỉa lúa (apướt)... chỉ biết rằng ông nối nghiệp cha ông từ khi mới là cậu bé lên 10 tuổi.
Ông Cooh Tám bên lò rèn của mình tại thôn Voòng, xã Tr'Hy, huyện Tây Giang thường ngày vẫn luôn đỏ lửa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có một sản phẩm trước hết phải tìm cho được sắt thép tốt, từ cách nhóm lò, chọn than cho đến cách đặt bếp cũng phải có kỹ thuật. Theo ông Cooh Tám, mỗi lần đập búa bao giờ cũng một tiếng nặng, một tiếng nhẹ để tạo nên sự cần thiết cho chính xác nơi nện búa. Cần tính toán kỹ lưỡng mỗi khi bắt tay vào rèn một sản phẩm, phải thổi lửa sao cho sắt đỏ vừa phải, phù hợp, đặc biệt phải biết thổi lửa để không bị dễ cong khó làm bén, sai lệch...dù chỉ dùng búa đập vào sắt thép nhưng không dễ chút nào.
Vì vậy, khi tạo ra bất kỳ một dụng cụ lao động sản xuất nào người Cơtu làm bằng phương pháp thủ công đơn giản. Với hơn 73 mùa rẫy, nhưng ít ai biết rằng ông Cooh Tám đã có thâm niên gần 60 năm làm thợ rèn và ông là một trong số ít những người Cơtu còn bám trụ được với nghề rèn truyền thống của tổ tiên người Cơtu.
Giờ ông Cooh Tám có thể rèn thuần thục và kế nghiệp cha với các thủ thuật rèn gia truyền với nhiều sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ cho bà con trong xã Tr'Hy và cả các xã vùng cao thuộc Khu 7(cũ) như: A Xan, Ga Ry, Ch'Om này với các dụng cụ để bà con Cơtu phục vụ trong lao động, sản xuất và săn bắn...
Tâm huyết với nghề rèn truyền thống của người Cơtu Ngồi cùng chúng tôi bên bếp lửa với tiếng ro ro của máy quạt lửa, già làng thôn Voòng - Cơlâu Bh'lao cho biết: Nói về nghề rèn truyền thống của người Cơtu thì anh Cooh Tám là thợ rèn duy nhất ở vùng cao Tr'Hy mà anh còn dẫn dắt, truyền nghề cho lớp trẻ Cơtu của thôn Voòng học nghề.
Hằng năm, cứ đến mùa phát rẫy chuẩn bị gieo hạt nhà mình và các bà con trong thôn đều nhờ anh Cooh Tám làm giúp cái rìu, cái rựa, cào cỏ... và anh không bao giờ lấy của bà con đồng tiền nào. Bù lại, bà con trong thôn mỗi khi săn bắt được con heo, con mang, con nai... luôn dành cho anh những phần ngon nhất. Dụng cụ mà anh Cooh Tám làm phát rẫy rất bén và nhanh, không bị cùn và không mất thời gian mài.
Ông Cooh Tám (bên phải) và già làng Cơlâu Bh'lao bên sản phẩm vừa mới làm xong.
Anh Cooh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tr'Hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết: Người Cơtu rất coi trọng nghề rèn truyền thống. Hiện nay, nghề này đang dần bị mai một và có nguy cơ thất truyền bởi lớp trẻ Cơtu hiện nay không mấy quan tâm đến nghề rèn.
Hiện ở xã Tr'Hy này, chỉ có lò rèn của ông Cooh Tám thôn Voòng hoạt động thường xuyên và khá hiệu quả. Chúng tôi sẽ nhân rộng và phát triển nghề rèn tại các thôn, giải quyết được nhu cầu về công cụ lao động của nhân dân trong mùa lên nương rẫy. Đồng thời, giúp khôi phục làng nghề truyền thống của đồng bào Cơtu đang bị mai một. Ông Cooh Tám còn là người có công giữ gìn nghề rèn truyền thống của người Cơtu và ông xứng đáng được đồng bào Cơtu khắp vùng khen ngợi và tự hào là người giữ lửa cho nghề rèn truyền thống.
Chia tay, ông Cooh Tám nắm tay tôi rồi bảo: Hiện nay, ở ngoài chợ có bán nhiều loại sản phẩm từ nền công nghiệp cùng nhiều mặt hàng dân dụng giá rẻ mà đồng bào Cơtu mình còn nghèo, lấy tiền đâu mà mua. Họ có miếng sắt vụn đem đến nhờ mình rèn thành dao, rựa, rìu... là quý lắm rồi. Vì thế, nếu không có tình yêu nghề thì không thể duy trì được suốt mấy chục năm qua anh à.
Với chúng tôi, lò rèn của ông Cooh Tám thôn Voòng xã Tr'Hy vẫn hằng ngày chờ đợi từng sản phẩm để nắm níu với nghề và hơi ấm lửa rèn cứ cháy mãi trong tim, trở thành động lực và niềm thôi thúc để ông giữ lửa làng nghề truyền thống của tổ tiên người Cơtu truyền lại.