80 tuổi, người con của quê lúa Thái Bình, cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn giờ đang “đắm đuối” với lũ vịt trời. Báo chí viết bây giờ ông có trong tay 300 con mái đẻ, hàng trăm con đực giống thuộc bốn dòng vịt trời...
Ông Tạn thuê hẳn cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên thực hiện đề tài nghiên cứu, thuần hóa vịt trời, ngỗng trời, với mục đích “thuần hóa và phát triển nhiều dòng giống”.
Chưa kể đến ấp ủ dự án trồng cây thạch hộc, loại cây mà ông bảo “ở Trung Quốc là dược liệu có giá trị nhất, đắt hơn hồng sâm, quý hơn linh chi, có thể cho thu nhập 1 triệu dollar/ha, tương đương 21 tỷ đồng tiền Việt”.
Câu chuyện nuôi vịt của cựu Phó Thủ tướng xuất hiện có lẽ là chỉ hoàn toàn tình cờ với một tin không hề vịt khác. Đó là tin “thời sự VTV” cho biết Việt Nam vừa mất hợp đồng 300.000 tấn gạo xuất đi Malaysia - một “khách hàng ruột” của gạo Việt Nam.
Những phát ngôn chính thức cho thấy bi kịch còn tệ hơn việc gạo Việt “mất cơ hội vào Malaysia”, khi quốc gia này thôi không “chỉ chọn duy nhất Việt Nam để chào giá”. Và “chút xíu thay đổi” trong cơ chế mua gạo của một “khách hàng ruột” đang mang tới nguy cơ: Thị trường gạo Việt Nam đang hẹp thêm cửa ra.
Bi kịch xuất khẩu, chứa trong nó bi kịch hạt gạo. Nguyên do của việc mất hợp đồng 300.000 tấn là do “giá cao hơn gạo Thái Lan 10 USD/tấn”. Và gạo Việt “đắt” hơn gạo Thái Lan trong khi giá lúa gạo tại vựa lúa ĐBSCL đang tụt giảm 1.000 đồng/kg, tức là khoảng 48 USD/tấn.
Tại sao giá bán lúa của nông dân quá rẻ mạt, trong khi gạo xuất khẩu lại không cạnh tranh được bằng giá là cả một nghịch lý mà chỉ có đội ngũ thương lái, hoặc các nhà khoa học nông nghiệp, hoặc những nhà quản lý mới có thể giải thích.
Nhưng bi kịch nhất trong câu chuyện “bị bít hết cửa ra”, phải là vấn đề chất lượng hạt gạo khi chính những người có trách nhiệm phải thừa nhận: Riêng phân khúc gạo chất lượng cao có giá trên 400 USD/tấn thì (gạo Việt Nam) không thể nào cạnh tranh nổi với gạo Thái Lan.
Giá như hạt gạo, cũng như con vịt trời, từ 20-30 năm trước, được chăm bẵm phát triển. Giá như cây lúa cũng được tính toán chuyển đổi, bằng cây thạch hộc chẳng hạn, để chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Giá như các chính khách của chúng ta không chỉ nổi tiếng như một nông dân sản xuất giỏi, khi đã về hưu.
Dịp tết vừa rồi, cái giá 2.000 đồng một củ su hào chứa bao nhiêu bi kịch không chỉ của nông dân mà cả nền nông nghiệp. Nhưng người ta chỉ dửng dưng thấy cái giá 2.000 đồng, chứ chẳng mấy ai thấy câu chuyện sau nó: Mỗi củ su hào lỗ gần một nửa của 2.000 đồng.