Kiểm tra việc kê khai giá sữaHôm nay (4.3), đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành liên quan bàn thảo riêng về vấn đề quản lý giá sữa, đặc biệt là việc tăng giá sữa cho trẻ em, gây bức xúc cho người tiêu dùng hiện nay.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - ông Đỗ Thanh Lam cho biết, kiểm tra việc kê khai giá sữa đang được Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan khác thực hiện. Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Cục Quản lý thị trường đang đẩy mạnh kiểm tra việc đăng ký kinh doanh, niêm yết và bán theo giá niêm yết của các đơn vị kinh doanh mặt hàng sữa.
Người tiêu dùng đang bức xúc vì giá sữa gần đây tăng cao đột biến (ảnh minh họa).
Ông Nguyễn Phương Nam-Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng thông báo, đang thu thập các dữ liệu, thông số để điều tra việc các doanh nghiệp có liên kết tăng giá sữa hay không. Điều tra sơ bộ của bộ này theo quy định sẽ diễn ra trong 30 ngày. Nếu có phản cạnh tranh thì sẽ tiến hành điều tra chính thức trong 180 ngày (phức tạp sẽ được gia hạn nhưng không quá 2 lần tối đa 60 ngày). Ông Nam cũng khẳng định: Thực tế, chúng tôi đã biết về khả năng tăng giá sữa và do sữa là mặt hàng bình ổn giá và một số mặt hàng phải quản lý giá nên sau khi thu thập đầy đủ các dữ liệu mới xử lý được vi phạm giá nếu có của các công ty sữa.
“Trung Quốc thu gom gạo là điều tốt”Trước câu hỏi của báo chí về khả năng tăng giá điện, nhất là trong bối cảnh CPI tăng thấp trong 2 tháng vừa qua và đề án tăng giá điện đã được trình Bộ Công Thương thẩm định lần thứ 4, ông Đặng Huy Cường-Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc tăng giá điện phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật. Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, liều lượng cũng như thời điểm tăng giá điện sẽ có cân nhắc đến các yếu tố vĩ mô, trong đó có tính đến cả CPI. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định nào về việc tăng giá điện và Bộ Công Thương chưa nhận được đề án về tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên NTNN xung quanh việc Trung Quốc đang mua gom gạo của Việt Nam theo đường tiểu ngạch, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định: Xuất khẩu gạo của ta đang vấp phải sự cạnh tranh khá gay gắt từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia nên khá khó khăn. Tuy nhiên, dấu hiệu xả kho gạo của Thái Lan đang chưa rõ ràng, và dù xả kho gạo thì giá gạo Thái vẫn cao hơn giá gạo Việt Nam. Ông Hải cho hay, Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thành quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, tập trung kinh phí cho xúc tiến thương mại với mặt hàng này; đẩy mạnh đàm phán hợp đồng gạo tập trung với Indonesia, Philippines để khơi thông thị trường.
Về thị trường Trung Quốc, ông Hải cho biết, năm 2013 Trung Quốc đã nhập gạo của ta với số lượng kỷ lục 2,1 triệu tấn, chiếm 1/3 lượng gạo xuất đi của ta. Tuy nhiên, tháng 1.2014, Trung Quốc mới chỉ nhập 65.000 tấn gạo của Việt Nam/370.000 tấn gạo cả nước đã xuất; chứng tỏ bán gạo cho Trung Quốc không phải dễ dàng. Do vậy, nếu Trung Quốc có chủ trương mua gom gạo Việt Nam là điều quá tốt, kể cả xuất tiểu ngạch, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ.