Tập huấn phải sát thực tếĐến với bản tái định cư A Má thuộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La), chúng tôi gặp anh Cà Văn Bình, dân từ xã Mường Trai, huyện Mường La, chuyển đến. Anh bảo: “Chúng tôi mới về đây từ năm 2008, tất cả có 78 hộ. Cuộc sống ban đầu không ít khó khăn. Khí hậu Mường La vốn nóng bức, nhưng về A Má này thì lại lạnh giá nhiều hơn, nên phải thay đổi cách làm ăn. Thật may là chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ nhiều về điều kiện ăn, ở, đất sản xuất, giống, vốn… Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi được tập huấn khuyến nông một cách kỹ càng”.
Ông Lò Văn Tiến - Trưởng bản TĐC A Má, bảo: “Đúng là sản xuất ở đây có nhiều cái mới hơn nơi ở cũ, nhưng cán bộ khuyến nông của Dự án di dân TĐC làm tốt lắm, họ cầm tay chỉ việc cho đến khi dân làm được mới thôi. Nhờ thế mà về đây lạ đất lạ người nhưng chỉ mấy năm là nhà ai cũng no đủ, nhiều hộ còn tích trữ được tài sản, nhân đàn gia súc, gia cầm với số lượng lớn”.
Ông Tiến cho hay, năng suất lúa, ngô của các hộ trong bản đều đạt từ 7-8 tấn/ha trở lên. Thu hoạch là có người đến tận nương mua, giá ngô cũng cao hơn so với những vùng không thuận lợi giao thông khác trong huyện. Khi chuyển về đây, cả bản chỉ còn chưa đầy 10 con trâu, bò nhưng bây giờ đã có tới gần 100 con...
Nuôi gia súc nhốt chuồng theo hướng dẫn của khuyến nông đã giúp dân TĐC Thủy điện Sơn La làm giàu trên đất mới.
Ông Cầm Chính Nghĩa cho hay: Đã tập huấn khuyến nông là phải làm thay đổi được nếp nghĩ, cách làm và có hiệu quả rõ rệt trong sản xuất của người dân tái định cư. Muốn vậy thì trước hết phải biết người dân cần tập huấn cái gì, tập huấn đến mức độ nào, kinh nghiệm khuyến nông nào đang thiếu, đang yếu, đang lỗi thời?...
Phải phát huy hiệu quả
"Hàng năm bà con vẫn được tập huấn thêm những kinh nghiệm để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập. Có vốn lại biết cách làm hay thì xóa nghèo và làm giàu sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều”.
Ông Hoàng Văn No
|
Cũng theo ông Cầm Chính Nghĩa, khuyến nông sau khi tập huấn phải có những hoạt động kiểm tra, giám sát lại xem người dân vận dụng thế nào, còn lỗ hổng nào, kiến thức nào chưa được người dân tiếp nhận, vận dụng? Những kiến thức nào cần phải tập huấn lại, tập huấn bổ sung?
“Cứ bảo khuyến nông là một cần câu cơm của dân nhưng nếu làm không tốt thì tập huấn nhiều lần mà dân vẫn cứ nghèo kiến thức, đói cơm ăn. Với Dự án TĐC Thủy điện Sơn La, chúng tôi không chấp nhận làm theo kiểu cứ chương trình khuyến nông nào có mô hình là tập trung vào làm mô hình để dễ quyết toán, còn kiến thức khuyến nông thì khi cán bộ tập huấn đi là dân cũng lơ mơ nên hiệu quả rất thấp” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng bởi cái quan điểm dứt khoát của cán bộ chỉ đạo từ cấp Ban của tỉnh nên hoạt động tập huấn khuyến nông của Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La tỉnh Sơn La phát huy hiệu quả rất nhanh, thiết thực giúp bà con sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Ông Hoàng Văn No - dân bản TĐC Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tâm sự: “Khi chúng tôi về đây có ai biết trồng chè, trồng cà phê, cây ăn quả giống mới… thế nào đâu, nhưng cán bộ khuyến nông của dự án bám dân chỉ việc, hướng dẫn từng tí một. Họ theo dõi kết quả sản xuất, tập huấn bổ sung, dạy thêm nghề mới… Nhờ thế cái bản này chuyển đến chỉ năm trước, năm sau là hộ nào cũng có thu nhập cao hơn nơi ở cũ. Nhờ vậy, chẳng còn hộ nào lo đói như khi mới chuyển đến”.