Dân Việt

Mở sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam

VNE 26/03/2014 21:33 GMT+7
Cho dù chưa được cơ quan quản lý cấp phép, một công ty ở Việt Nam công bố bắt tay với đối tác Israel mở sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên vào cuối tháng 4.
Trong thông cáo vừa phát đi, Công ty TNHH Bitcoin Vietnam cho biết đã hợp tác với Bit2C, một công ty ở Israel, để lập sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên (VBTC) tại Việt Nam. Theo Bitcoin Vietnam, VBTC sẽ ra mắt vào cuối tháng 4 và đơn vị này kỳ vọng sẽ nền tảng giao dịch cho thị trường Việt Nam.

Trên website của mình, công ty giới thiệu 4 điểm như là thế mạnh của mình đó là hợp pháp, an toàn, công nghệ và thanh khoản. Liên quan tới yếu tố hợp pháp, công ty khẳng định mình là sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam được đăng ký kinh doanh đầy đủ.

img
Tấm biển chấp nhận Bitcoin được treo tại một quán cà phê ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Bình

Tuyên bố thành lập sàn giao dịch của Công ty Bitcoin Việt Nam được đưa ra tròn một tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước khẳng định Bitcoin không phải tiền tệ và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Các tổ chức tín dụng cũng không được sử dụng như tiền tệ hoặc một loại phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Các đơn vị chấp nhận thanh toán Bitcoin sau đó thay đổi thông điệp, coi đây là một loại hàng hóa và dùng để đổi các loại hàng hóa khác. Theo quy định hiện hành, nếu xem Bitcoin là một hàng hóa, để lập sàn giao dịch, các công ty cần được sự cho phép của cơ quan quản lý là Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương.

Trao đổi với PV sáng 26.3, đại diện Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương khẳng định "sàn giao dịch" này chưa đăng ký hợp pháp. Lãnh đạo bộ phận quản lý thương mại điện tử của cục cho biết, Công ty TNHH Bitcoin Vietnam mới thông báo mở website bán hàng hóa chứ không đăng ký mở sàn giao dịch. Ngay cả hồ sơ đăng ký mở website bán hàng hóa của công ty này cũng đã bị cơ quan quản lý từ chối.

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử giải thích: "Bitcoin hiện vẫn chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong bất cứ văn bản quy phạm pháp lý nào của Việt Nam hiện hành. Do vậy, nó không thuộc đối tượng được chấp nhận theo nội dung điều chỉnh của Nghị định về Thương mại điện tử".

img
Công ty này vẫn cho biết là sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam "hợp pháp" dù cơ quan quản lý khẳng định chưa được cấp phép hợp lệ. Ảnh chụp màn hình.

Ông cũng cho biết thêm, theo quy định hiện nay, các thương nhân, tổ chức phải cung cấp đủ thông tin cho khách hàng để xác định đặc tính hàng hóa, dịch vụ mình. Việc này nhằm tránh hiểu lầm cho người mua hàng. Công ty Bitcoin Vietnam theo ông chưa chứng minh được điều này và chưa đủ cơ sở pháp lý để được mở sàn giao dịch.

Trong thông cáo phát đi cuối tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo những rủi ro mà loại đồng tiền ảo này có thể mang lại. Theo cơ quan này, nếu dùng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, người dân sẽ không thể được pháp luật bảo vệ. "Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi", Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Công ty TNHH Bitcoin Vietnam mới thành lập vào cuối năm 2013. Doanh nghiệp này vừa đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2014 khi cho ra mắt dịch vụ môi giới Bitcoin để người dùng tại Việt Nam có thể mua bán số lượng không giới hạn.

Trong khi đó, đối tác của họ là Bit2C lại đến từ Israel, thành lập năm 2012. Theo giới thiệu, họ là công ty trao đổi Bitcoin đầu tiên và lớn nhất tại Israel cũng như là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Bitcoin ở nước này.

Về phần mình, trong thông cáo phát đi, đại diện của hai công ty này vẫn cho rằng, bất chấp những cảnh báo về rủi ro từ Ngân hàng Nhà nước, việc sử dụng Bitcoin chưa bao giờ bị cấm ở Việt Nam.

Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6.2010, đến năm 2013 được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư tại nhiều quốc gia. Mt.Gox (trụ sở Tokyo, Nhật Bản) cũng từng là một trong hai sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới.