Nông dân mừngMặc dù đến trưa ngày 15.4 mới có kết quả đấu thầu hợp đồng cung ứng 800.000 tấn gạo cho Philippines nhưng từ 1, 2 ngày trước đó, giới thương lái và người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã rộn ràng. Người này í ới gọi, nhắn tin cho người kia, phỏng đoán kết quả này nọ. Thương lái còn gọi cả cho phóng viên để mong biết được thông tin sớm nhất. Và nhờ không khí rộn ràng đó, giá lúa ngày 15.4 trước giờ G đã nhích lên 100 đồng/kg, trước tiên là ở Tiền Giang, sau đó đến cuối ngày và qua ngày hôm sau đã lan ra tăng đều ở các tỉnh thành khác.
Có hợp đồng xuất khẩu mới, nông dân kỳ vọng giá lúa sẽ tăng lên.
Ông Dương Văn Mến, thương lái thu mua lúa gạo ở Cái Bè, Tiền Giang cười khà khà: “Tụi tôi biết chắc thế nào Việt Nam cũng trúng thầu, kinh nghiệm bao nhiêu năm mình đấu thầu ở nước này rồi. Vì thế nên “đón đầu” mua trước, chứ để khi có kết quả, giá mắc hơn là cái chắc”.
Bà Trần Thị Bông, thương lái ở Thoại Sơn, An Giang cũng cười: “Mấy ông ở Tiền Giang, Long An nhạy lắm. Chúng tôi ở đây đến chiều tối 15.4 mới biết. Ngay lập tức sáng hôm sau giá lúa đã tăng lên 50 đồng/kg và tới chiều thêm 50 đồng/kg nữa. Hiện lúa tươi IR 50404 đang ở mức 4.400 đồng/kg. Giá gạo cũng đã nhích lên 50 đồng/kg hiện ở mức 6.500 đồng/kg”.
Nghe được thông tin Việt Nam trúng thầu một số lượng lớn lúa gạo như thế, chị Thu Hằng ở Châu Phú, Đồng Tháp mừng muốn rơi nước mắt. Giọng chị vỡ òa: “Hèn chi sáng nay thấy lúa tăng giá mà không biết lý do tại sao. Vụ đông xuân vừa rồi gia đình mới gặt bán lỗ mất 5 triệu đồng, do lệnh kiểm tra tải trọng xe tải làm tắc đường tiêu thụ ra Bắc xuất qua Trung Quốc nên giá lúa rớt mạnh. Gia đình đang lo ngay ngáy cho vụ hè thu. Nay có thông tin này thì gia đình yên tâm sản xuất rồi”.
Theo ông Nguyễn Hùng Linh- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), do thời gian giao hàng rải đều từ tháng 5 đến hết tháng 8.2014, đúng ngay thời điểm bà con làm vụ hè thu nên VFA hy vọng hợp đồng cung ứng 800.000 tấn gạo cho Philippines sẽ giúp giữ giá lúa vụ mùa này ổn định, không rớt sâu như mọi năm. Đặc biệt, hợp đồng này còn giúp VN có khách hàng tăng đối trọng hơn một chút so với Trung Quốc, từ đó giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường này, như nửa tháng qua khi các doanh nghiệp tắc bị nghẽn đường xuất hàng mậu biên qua Trung Quốc do lệnh kiểm tra tải trọng xe tải, thì ngay lập tức giá lúa rớt 200 đồng/kg.
Giá sẽ không tăng nhiều?Mặc dù cũng vui mừng trước thông tin trúng thầu nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại tỏ vẻ trầm tư và lo lắng nhẹ.
Ông Trần Thanh Văn- Phó Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ), phân tích rằng lợi ích chính trong việc VN trúng thầu lần này là giúp cho việc tiêu thụ hàng hóa cuối vụ đông xuân, bước qua vụ hè thu được thuận lợi hơn. Từ đó giúp giữ giá và đẩy giá lên chút đỉnh cho bà con nông dân có lời, đặc biệt ở vụ hè thu, lúa chất lượng kém hơn vụ đông xuân nên giá thường rớt. Tuy nhiên, do giá ký kết hợp đồng lần này không cao nên nếu giá lúa gạo trong nước tăng quá cao, doanh nghiệp sẽ không mua nổi vì lỗ.
Cuối năm 2013, VN đã vượt qua đối thủ Thái Lan để giành hợp đồng cung ứng 500.000 tấn gạo (Campuchia rút lui vào phút chót) cho Philippines. Năm nay một lần nữa Việt Nam lại vượt qua đối thủ “nặng ký” Thái Lan và một số công ty đa quốc gia để trúng gói thầu 800.000 tấn gạo.
|
“Với giá ký 370 USD/tấn thì tương ứng giá gạo nguyên liệu IR 50404 doanh nghiệp mua vào là 6.500 đồng/kg, lên 6.600 đồng/kg là doanh nghiệp lỗ ngay. Tương ứng đó là giá lúa tươi mua tại ruộng của nông dân khoảng 4.400 – 4.500 đồng/kg. Chính vì thế tôi cho rằng giá cả nên xoay quanh ở mức này vừa đảm bảo nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng dễ thở ” – ông Văn chỉ ra.
Đồng tình quan điểm trên, ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cũng đánh giá rằng Việt Nam trúng thầu hợp đồng cung ứng 800.000 tấn gạo cho Philippines sẽ giúp cho các doanh nghiệp yên tâm về mặt đầu ra trong bối cảnh tình hình xuất khẩu đang khó khăn như hiện nay, nhất là những doanh nghiệp có mua tạm trữ vụ đông xuân vừa qua. Hợp đồng tập trung còn giúp VN định hình giá cho thị trường xuất khẩu. “Giá cả sẽ nhích lên là điều chắc chắn nhưng nếu tăng quá 4.500 đồng/kg lúa tươi IR 50404, doanh nghiệp lỗ sẽ không dám mua nữa như năm ngoái. Khi đó, thị trường tiêu thụ chậm lại, giá giảm thì lợi bất cập hại” – ông Tuấn phân tích.
Hiện Trung Quốc và Philippines là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhì của Việt Nam. Philippines trong quý I/2014 đã mua đến 31% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, hơn 365.000 tấn. Còn Trung Quốc mua trên 40% với hơn 487.000 tấn. Tính đến ngày 13.4, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là 1,4 triệu tấn. Dự kiến đến hết tháng 4, Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm khoảng 600.000 tấn, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 2 triệu tấn. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam là 390 đôla Mỹ/tấn.