Tạo cơ chế độc quyềnĐến nay khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh có hơn 10 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Thế nhưng gần đây giữa các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh khiến “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Điển hình là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Huy Phương, được UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng trạm cân hàng nông sản và kho bãi nhưng sau khi đầu tư xây dựng xong thì chỉ kho bãi và trạm cân của Công ty Bảo Hoàng được phép hoạt động.
Xe chở mì chờ sang tải tại sân kho Công ty Bảo Hoàng.
Theo quy định của pháp luật thì quy trình hàng nông sản từ nước bạn vào Việt Nam, sau khi được hải quan kiểm tra làm thủ tục thông quan sẽ được tập kết về kho bãi của doanh nghiệp, cơ sở thu mua. Tuy nhiên, ngày 13.3.2013, Ban quản lý khu kinh tế ra Thông báo số 06/TB-BQL có nội dung:
“Các doanh nghiệp thu mua nông sản có quyền cân tại các cân đã được cấp phép hoạt động. Riêng việc sang tải, bốc xếp hàng hóa phải thực hiện tại bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa của Công ty TNHH MTV Bảo Hoàng”. Quy định này rõ ràng là tạo cơ chế độc quyền về thủ tục sang tải cho Công ty Bảo Hoàng nên một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nông sản phản ứng.
Để đảm bảo sự thuận lợi, công bằng trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, UBND tỉnh chính thức có Thông báo số 23/TB-UBND, trong đó có nội dung: “Đối với doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh nhập khẩu, mua bán hàng hóa đã xây dựng kho (hoặc nhà) phù hợp với quy hoạch tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, nếu không có nhu cầu sang tải, tháo dỡ hàng hóa tại Công ty TNHH MTV Bảo Hoàng thì được phép sang tải, tháo dỡ hàng hóa tại kho (hoặc nhà) của mình”.
Lẽ ra khi UBND tỉnh ra thông báo số 23 thì Ban quản lý phải ra thông báo khác để hủy Thông báo số 06 của họ, nhưng thực tế cả hai văn bản của hai cấp đồng thời có hiệu lực song hành. Mâu thuẫn là vậy nhưng theo ông Lê Phong Cầm-Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, việc đưa về một đầu mối cho… dễ quản lý!
Tự đặt kiểm soát, mức phí
Bà Giáp Thị Huy Phương - Chủ DNTN Huy Phương bức xúc: “Chúng tôi đã đầu tư trên 4 tỷ đồng kho bãi và trạm cân nhưng bây giờ phải “đắp chiếu” vì một cơ chế kỳ quặc của Ban quản lý khu kinh tế”.
|
Bằng văn bản “chống lưng” của Ban quản lý khu kinh tế, Công ty Bảo Hoàng đã tự kiểm soát xe chở hàng nông sản từ Campuchia chạy vào bãi tập kết và xe Việt Nam vào bãi tập kết để sang tải.
Xe chở hàng nông sản từ Campuchia vào cửa khẩu, ngoài việc nộp các mức phí theo Quyết định 643 của UBND tỉnh, còn phải nộp phí qua cân 15.000 đồng/tấn. Tổng cộng trung bình mỗi xe nông sản (chủ yếu là mì lát) qua cân, Công ty Bảo Hoàng thu gần 2 triệu đồng.
“Đã thế, sau khi thu phí, doanh nghiệp chúng tôi đề nghị cấp hóa đơn để làm cơ sở tính chi phí kê khai thuế đầu vào nhưng Công ty Bảo Hoàng không cung cấp” - bà Nguyễn Thị Hồng, đại diện doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi bức xúc. Trong khi đó, ông Trương Huy Bảo - Giám đốc Công ty Bảo Hoàng vẫn nói rằng ai có nhu cầu xuất hóa đơn thì sau 1 tháng đơn vị sẽ cung cấp. Việc sang tải cũng thuộc độc quyền của Công ty Bảo Hoàng.
Ông Trương Huy Bảo cho biết toàn bộ nông sản từ Campuchia vào Việt Nam qua bãi tập kết của Công ty Bảo Hoàng năm nay trung bình mỗi ngày trên dưới 2.000 tấn. Đây là thời vụ cao điểm nhưng số lượng nông sản qua cửa khẩu quá thấp so với năm 2012. Giải thích về vấn đề này, ông Lê Phong Cầm “đoán” có thể do các vườn cao su bên Campuchia đã lớn nên diện tích trồng mì giảm.
Thế nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn lại cho rằng: Chính cơ chế độc quyền, thủ tục phiền hà, lệ phí cao đã khiến các lái xe hàng nông sản Campuchia chọn về cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) hoặc Hoa Lư (Bình Phước).