Trong một tuyên bố trên truyền hình, al-Sawaiq và al-Qaqa, hai nhóm vũ trang từng tham gia cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011, đã kêu gọi Quốc hội Libya chuyển giao quyền lực trong vòng 5 giờ vì nhiệm kỳ của cơ quan lập pháp này đã kết thúc ngày 7.2 vừa qua, đồng thời cảnh báo sẽ bắt bất cứ nhà lập pháp nào từ chối yêu cầu trên.
Quốc hội Libya. (Nguồn: worldbulletin.net)
Theo một thủ lĩnh cấp cao của al-Sawaiq, hai nhóm vũ trang này sẽ có hành động buộc Quốc hội chuyển giao quyền lực cho Tòa án tối cao và thành lập một ủy ban giám sát bầu cử.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ali Zeidan sau đó cho biết đã đạt được thỏa hiệp với các nhóm vũ trang trên, theo đó hai nhóm này đồng ý kéo dài thời hạn chót để Quốc hội chuyển giao quyền lực lên 72 giờ.
Chủ tịch Quốc hội Libya Nuri Abu Sahmein đã cực lực lên án việc các nhóm vũ trang đe dọa quan chức chính quyền, bác bỏ mọi tuyên bố của al-Sawaiq và al-Qaqa và khẳng định đây là "một âm mưu đảo chính".
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Ali Zeidan cũng ra tuyên bố cho biết chính phủ sẽ tổ chức một cuộc họp "nhằm xoa dịu tình hình và tránh leo thang căng thẳng".
Sau động thái trên của các nhóm vũ trang, chưa có dấu hiệu bất ổn tại thủ đô Tripoli nhưng nhóm al-Qaqa đã điều hàng chục xe có trang bị súng phòng không tại một tuyến đường gần trụ sở Quốc hội.
Quốc hội gồm 200 thành viên hiện nay được bầu ra từ tháng 7.2012 với nhiệm kỳ 18 tháng và có nhiệm vụ lãnh đạo quá trình chuyển tiếp tại Libya sau cuộc chính biến năm 2011. Tuy nhiên, đầu tháng Hai, GNC đã quyết định kéo dài nhiệm kỳ hoạt động của mình đến tháng 12.2014.
Quyết định kéo dài nhiệm kỳ của GNC gây phản ứng mạnh mẽ. Hàng nghìn người Libya đã xuống đường để phản đối, cho rằng Quốc hội không ngăn chặn được tình cảnh quốc gia này chìm sâu vào bất ổn.
Trước tình hình căng thẳng leo thang, ngày 16.2, Quốc hội Libya đã nhất trí tổ chức bầu cử sớm, song chưa thông báo thời điểm cụ thể.