Theo thống kê của Bộ NNPTNT, hiện ở khu vực miền Bắc có tới 53 điểm đê, kè xung yếu cần được giám sát. Đáng chú ý, nhiều điểm xung yếu này do tình trạng vi phạm đê điều ngày càng nghiêm trọng nên đang bị sạt lở, phải “băng bó”.
Tập huấn hộ đê, tràn đê ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang). |
Vô tư lấn chiếm hành lang đê
So với các địa phương khác, tình trạng lấn chiếm lòng sông, hành lang đê ở Hải Dương được xem như là “điểm đen”.
Ông Bùi Huy Tuấn – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Thủy lợi Bắc Hưng Hải (Hải Dương) cho biết: Hiện chúng tôi đang quản lý khoảng 475km đê, 14 cống và 9 kênh chính. Riêng năm 2011, trên hệ thống đê ở Hải Dương đã xảy ra 3 điểm sạt lở nghiêm trọng thuộc địa bàn các huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng và Nam Sách. “Năm 2011, chúng tôi đã phát hiện khoảng 2.934 trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng sông, hành lang đê, nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn” – ông Tuấn cho biết.
Khảo sát tại một số tuyến đê ở huyện Cẩm Giàng, Bình Giang… chúng tôi nhận thấy, tình trạng lấn chiếm hành lang đê làm nhà rất phổ biến, điển hình như ở Xuân Quan, lấn chiếm lòng sông làm bãi đổ cát sỏi như ở Kẻ Sặt, cầu Cậy (Cẩm Giàng)… Tại đây, có đến 4 – 5 điểm kinh doanh cát sỏi lấn chiếm lòng sông, gây khó khăn trong việc thoát lũ khi lũ về.
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên các tuyến đê thuộc tỉnh Bắc Giang đã xảy ra gần chục vụ sạt lở mái, chân đê. Điển hình như vụ sạt lở mái đê do ảnh hưởng của cơn bão số 5 vừa qua tại điểm K2+600 – K2+750 thuộc xã Xuân Hương (Lạng Giang). Ông Bùi Liên Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão (PCLB) Bắc Giang cho biết: “Bắc Giang hiện có 3 tuyến đê chính là sông Cầu, Thương và sông Lục Nam. Hiện trên toàn tuyến có 4 điểm đê xung yếu và 2 điểm kè. Trong đó, hệ thống đê sông Cầu đáng lo nhất do ở đây nước lên nhanh, thân đê nhỏ, thấp”.…
Thiếu kinh phí hay lơ là?
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân trên địa bàn vẫn còn rất nhiều điểm đê xung yếu, ông Sơn cho hay: “Nguyên nhân chính là do địa chất, thân đê kém, hầu hết các cống cũ đã xây dựng từ năm 1938 xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, như cống Đại La K16+290 thuộc xã Mai Chung (Hiệp Hòa), do khẩu độ ngắn, gạch bị mục, bê tông phân hủy, hay cống đê hữu Thương Đa Mai K36+700 thuộc xã Đa Mai (TP. Bắc Giang) cống chỉ dài 11m, trên cống là Tỉnh lộ 398 nên xuống cấp rất trầm trọng”.
Ông Bùi Liên Sơn
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, do không kiểm soát được tình trạng lấn chiếm hành lang đê, nạn khai thác cát sỏi trên sông dẫn đến nhiều điểm đê bị sạt lở. Ngoài ra, việc để quá nhiều xe ô tô trọng tải lớn đi trên mặt đê ở các tuyến đê sông Thương, Cầu, sông Lục Nam thuộc các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng (Bắc Giang) và các tuyến đê trên sông Kinh Thầy, Lục Đầu Giang… thuộc các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Nam Sách (Hải Dương) đã làm tăng thêm kinh phí tu bổ đê điều.
Ông Nguyễn Văn Hòa, thôn Phúc Mẫn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) sống gần điểm sạt lở K2+600 - K2+750 kéo dài tới 150m trong cơn bão số 5 vừa qua lo lắng: “Mưa bão thì năm nào cũng có, nhưng vài năm gần đây liên tục xảy ra sụt lở đê, theo tôi nguyên nhân chính vẫn là do nạn khai thác cát sỏi trên sông, thứ nữa là do việc kiểm tra, tu bổ đê điều còn lơ là, thiếu đồng bộ, tập trung”.
Thái Bình: Nhiều nguy cơ từ đê tả sông Hồng
Dọc bãi bồi trên hệ thống tuyến đê trên địa phận huyện Hưng Hà (Thái Bình) đang xuất hiện nhiều lò gạch thủ công, các bãi tập kết đá cát do các hộ tư nhân làm chủ. Hàng ngày, hàng trăm chuyến xe vận tải chuyên chở vật liệu qua lại trên mặt đê khiến mặt đê bong tróc, gãy nứt. Có những điểm xuống cấp nghiêm trọng tạo thành hố sâu rất nguy hiểm. Ông Trần Đình Đáng, xã Hồng An bức xúc: “Trong các cuộc họp dân, chúng tôi đã kiến nghị chính quyền về tình trạng xe ben chở đất cát làm vương vãi vật liệu ra mặt , đồng thời làm xuống cấp nhiều đoạn đê xung yếu trên địa bàn xã nhưng chưa được giải quyết”.
Rất nhiều người dân các xã Độc Lập, Minh Tân và Hồng An, huyện Hưng Hà tỏ ra bức xúc trước thực trạng trên. Nhiều đoạn đê đã được gia cố cách đây nhiều năm nhưng không thể tránh khỏi sự xuống cấp. Đoạn đê thuộc xã Độc Lập là một điển hình. Do địa bàn có tuyến đò Phú Hậu, hàng ngày có rất nhiều khách đi từ Thái Bình sang Hà Nam, Nam Định và chiều ngược lại nên đoạn đê dài gần 2km được nâng cấp nhưng chưa đầy 2 năm đoạn đê trở về nguyên trạng do đoạn đê không chỉ dành cho khách đi đò mà hàng ngày có hàng chục chuyến xe công- nông, xe ben chở cát từ bãi cát nằm kề bến đò, nên không tránh khỏi sự xuống cấp.
Ở Thái Bình hiện còn xuất hiện tình trạng chặt tre chắn sóng, lấn chân đê làm nơi canh tác, trồng trọt. Có những đoạn vài cây số không còn một đụn tre nào, nhiều dãy tre bị người dân chặt phá xác xơ để lấy chỗ trồng hoa màu song không thấy chính quyền vào cuộc.
Tất Đạt
Việt Tùng