Điều cấm kỵChúng tôi tìm đến ngôi làng có câu chuyện kỳ lạ trong một buổi chiều, nắng tràn xuống những gốc tre, mang lại cảm giác bình yên ấm áp của vùng quê. Theo thông tin chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Hữu Khanh (con rể của dòng họ Lê Tự), người được xem là cuốn lịch sử sống của làng.
Ngôi đình của dòng họ Lê Tự.
Nghe chúng tôi hỏi về sự tích câu chuyện của dòng họ Lê Tự, ông mới vui vẻ chỉ với chúng tôi: “Các cháu muốn tìm nhân chứng của dòng họ không?”. Vừa nói, ông vừa chỉ tay về hai người bạn đang nói chuyện với mình: “Đây là những người thuộc dòng họ cháu đang tìm đấy. Chuyện kiêng ăn thịt ếch thì lâu lắm, ở vùng này nó trở thành cái lệ riêng của dòng họ rồi”.
Biết chúng tôi đang tò mò, bác Khanh mới gác lại công việc của mình, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mà bác chính là người trong vùng đã tìm hiểu về câu chuyện có thật này. Lần về ký ức bác kể: “Ngày ấy, lúc bác còn nhỏ, tuổi thơ lớn lên ở quê cũng như bao đứa trẻ khác, suốt ngày đi mò cua, bắt ốc.
Cùng những đám bạn tới những con ruộng mà người lớn đã gặt, để tát nước bắt cá, bắt cua. Một hôm, bác bắt được một con ếch vàng rất to, đem về trong sự vui mừng. Vừa đi vừa nghĩ “hôm nay ta có được món ngon rồi đây”. Vừa về tới nhà, ông nói với mẹ làm thịt ếch, vì bận việc nên mẹ ông bảo để chiều làm.
Một lúc sau, người chú nhà cạnh (thuộc dòng họ Lê Tự) sang thấy ông đang cầm con ếch, vội lặng lẽ không nói không rằng, cướp lấy con ếch đi ra ngôi giếng cạnh làng, có khóm tre thả con ếch xuống. Thấy hành động quá kỳ lạ, nên bấy giờ ông rất bực tức.
Thả ếch xong, ông chú vào nói chuyện nhỏ to với mẹ của ông. Khi thấy ông nổi giận, bà mới khuyên: “Sau này con đừng bắt và làm thịt ếch nữa, còn lý do thế nào khi nào lớn con sẽ hiểu”. Tuy vậy, nhưng trong lòng ông vẫn luôn muốn tìm hiểu sự thật đằng sau điều cấm kỵ của dòng họ đó.
Ông Nguyễn Hữu Khanh kể về những câu chuyện mà ông từng chứng kiến.
Mãi khi lớn lên, gia đình ông chuyển vào thành phố sinh sống. Gia đình ở trước chợ, thấy họ bán ếch. Nhưng chưa bao giờ ông thấy mẹ mình mua ếch làm thịt. Một thời gian sau năm 1975, ông cùng gia đình về quê. Tại quê, ông mở một tiệm cắt tóc bên đường. Ông cũng chứng kiến câu chuyện giống như mình lúc nhỏ. Lần này là chuyện người dâu trong dòng họ Lê Tự, quê ở Hòa Vang, Đà Nẵng.
Khi người con dâu đi làm ruộng bắt được ếch mang về, định nấu cho con ăn. Khi vừa về đến làng, gặp ngay người tộc trưởng, thấy xách ếch, ông tộc trưởng là Lê Tự Trổi mới nói: “Thím đưa con ếch đây cho tôi, nếu không đưa thì bán bao nhiêu tiền tôi cũng mua”.
Nghe vậy, người con dâu không đồng ý, một mực muốn đem con ếch về làm thịt cho con, vì con còi xương. Nhưng người tộc trưởng liền giật lấy con ếch trên tay, đi thẳng ra bờ ruộng mà bỏ con ếch cho nó nhảy đi, trước sự ngỡ ngàng của cô con dâu và mọi người.
Đây là lần thứ hai chứng kiến, nên ông mới hỏi người tộc trưởng câu chuyện, lý do vì sao? Biết ông tò mò, nên ông tộc trưởng kể lại: “Tôi năm nay gần trăm tuổi nhưng chưa bao giờ ăn thịt ếch, phái nhì của dòng họ Lê Tự không bao giờ ăn thịt ếch, cũng không bao giờ giết ếch”.
Giai thoại kỳ lạ Chuyện là, thời chống Pháp có ông Lê Tự Chỉnh đời thứ 9, tham gia vào phong trào nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu, một trong những thủ lĩnh của địa phương đóng tại Bào Đinh. Khi đánh nhau với giặc Pháp, bị bao vây, nghĩa quân thất trận nên quân lính ta bị thương rất nhiều.
Một dòng họ lớn
Trao đổi với chúng tôi,
ông Nguyễn Văn Bích (trưởng thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung,
huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết:
“Chuyện dòng họ Lê Tự không ăn
thịt ếch thì đã có bao đời nay. Người trong vùng chúng tôi cũng đã
chứng kiến nhiều rồi. Tuy không thể biết sự thực sau những câu chuyện,
nhưng việc dòng họ này kiêng với thịt ếch thì đúng. Dòng họ này là một
trong những dòng họ lớn ở trong thôn”.
|
Trong lúc này ông bị thương, nằm ngất tại trận. Quân ta nghĩ ông đã mất nên rút quân. Bị thương nặng khi tỉnh lại, giữa đồng khô hoang quạnh, ông bò lên khu vực gần bàu uống nước. Cũng là để tránh bị giặc bắt.
Đến tối, ông thấy một con ếch màu vàng, rất lớn. Lại gần ông và kêu lên mấy tiếng, gọi những con ếch khác cùng lên gần chỗ ông nằm. Chúng liếm những chỗ vết thương của ông. Vì đói, ông bắt một con ăn sống. Sau đó, đêm nào chúng cũng lên tương tự.
Trong thời gian mấy tháng, khi lũ ếch liếm những vết thương thì vết thương ông cũng lành, và thời gian ấy thực phẩm chủ yếu cũng là thịt ếch.
Sau khi lành, ông trở về kể lại chuyện ếch cứu mình cho gia đình nghe. Khuyên mọi người từ nay đừng ăn ếch nữa, ếch là ân nhân của gia đình mình. Rồi lên đường tiếp tục công việc của mình. Biết ông còn sống, bọn Pháp tìm cách mai phục và quyết bắn chết ông.
Nhưng lần này ông không chết. Mọi người đem ông ra một cái chòi ở ngoài ruộng vì sợ bị phát hiện, rồi cung cấp lương thực nuôi ông. Tuy nhiên lần này, loài ếch lại tiếp tục đêm đến tập trung tới chỗ ông nằm, liếm những chỗ vết thương của ông. Ông đỡ hơn. Nhưng sau 3 ngày địch phát hiện, chúng lên bắn chết ông tại chòi. Người dân thương tiếc nên lập ngôi miếu, gọi là miếu thờ việc nghĩa.
Ngoài tích đó ra, người trong vùng còn đưa ra một tích khác. Có người nói, xưa kia trong dòng họ Lê Tự, có một người tham gia chống Pháp, nhưng người này không rõ tên tuổi, chỉ biết là thuộc dòng họ này. Khi bị thương, ông được đàn ếch cứu nhưng sau cũng bị địch bắn chết ngoài đồng. Người dân thấy thương tiếc nên lập ngôi miếu, gọi là miếu thờ việc nghĩa. Hiện nay người dân vẫn thường thắp hương ở đó để tưởng nhớ người lính năm xưa.
Truyền đờiSau khi được nghe ông Nguyễn Hữu Khanh kể, chúng tôi tìm đến ngôi nhà ông Lê Tự Kỳ, người tộc trưởng của dòng họ Lê Tự. Gặp chúng tôi trong lúc còn đang giảng dạy cho các em học sinh. Gác lại mọi chuyện, ông kể về chuyện dòng họ mình. Ông nói, dòng họ tôi cũng như giống dòng họ khác thôi, nhưng chỉ duy nhất cái khác đặc biệt thì chính là chúng tôi không bao giờ ăn thịt ếch. Đối với chúng tôi ếch là loài ân nhân với chúng tôi.
Tuy lớn lên thế hệ sau, nhưng đã là người trong họ chúng tôi đều có nhiệm vụ cho con cháu mình biết, bao đời nay ông cha trong dòng mình không bao giờ ăn ếch. Có chăng những thế hệ con cháu sau này đi làm ăn xa, không biết thì chúng ăn chứ chúng tôi ở đây không bao giờ ăn. Những câu chuyện liên quan đến việc cấm kỵ này chúng tôi cũng biết như ông Khanh. Tuy nhiên, việc này không có ghi trong giấy tờ . Con cháu cứ tự ý thức được điều bao đời nay mà thực hiện, chứ cũng không bắt buộc.
Lần theo ngôi làng, chúng tôi tìm đến những người dân xung quanh, biết chúng tôi đang tìm hiểu, những người dân xung quanh cho biết, chuyện dòng họ Lê Tự không ăn thịt ếch thì bao đời nay đã có. Họ chưa bao giờ thấy người trong dòng họ này ăn ếch, nó như một nếp trong dòng họ vậy. Ông Hoa, người trong vùng cho hay, những câu chuyện này thì trong vùng ai cũng biết. Vì câu chuyện kiêng ăn ếch đã bao đời rồi.