Dân Việt

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tuyên bố của Obama và phương Tây chỉ là “chém gió”

Đăng Thúy (thực hiện) 04/03/2014 06:28 GMT+7
"Tôi cho rằng, tuyên bố của Obama và phương Tây chỉ là “chém gió”, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an bình luận về các động thái mới đây của Mỹ và Châu Âu.
“Các phương tiện chiến tranh của Nga ở Crimea đã sẵn sàng, nhưng khả năng chiến tranh đẫm máu sẽ ít xảy ra” - Thiếu tướng Lê Văn Cương - nhận định về nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine trong cuộc phỏng vấn của NTNN ngày 3.3.

3 thông điệp của Tổng thống Putin

Trong vài ngày qua, lính Nga đã tràn ngập Crimea và ngày 3.3 xe bọc thép của Nga cũng đã tập trung gần bán đảo Crimea… Thưa thiếu tướng, phải chăng những điều này đang đưa cái gọi là “nguy cơ chiến tranh” trở thành sự thật?

- Đúng là các phương tiện chiến tranh của Nga ở Crimea đã sẵn sàng, chỉ có điều chưa đổ máu mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, mục đích của Nga khi triển khai quân là bảo vệ lợi ích của Nga, bao gồm về con người, kinh tế và an ninh quốc phòng, đặc biệt là căn cứ hải quân ở Sevastopol.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an

Việc Nga đưa quân vào Crimea là phù hợp với các hiệp định song phương được ký giữa Nga và Ukraine. Xét về luật pháp quốc tế, điều này không trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Việc điều quân của Nga vào Crimea, theo tôi Nga muốn gửi 3 thông điệp: Thứ nhất là để cảnh báo chính quyền Kiev phải cẩn thận; thứ hai là để bảo vệ lợi ích của Nga; thứ ba là để gieo lòng tin cho những người dân nói tiếng Nga ở Ukraine.

Rõ ràng, Tổng thống Putin muốn nói với chính quyền non trẻ của Kiev rằng, “các ông có thể đi theo Mỹ hay châu Âu nhưng không được quay lại chống Nga, mọi hành động chống lại Mátxơcơva đều phải trả giá”. Như chúng ta thấy, vừa thành lập chính phủ lâm thời được vài ngày, nhưng chính quyền Kiev đã ra những quy định loại bỏ tiếng Nga trong chương trình học. Tôi cho rằng, điều này là vi phạm nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Và điều này với Nga là khó chấp nhận.

Lực lượng vũ trang dưới sự yểm trợ của xe bọc thép phong tỏa căn cứ của lực lượng phòng vệ bờ biển Ukraine,  gần thủ phủ Simferopol thuộc bán đảo Crime ngày 2.3.
Lực lượng vũ trang dưới sự yểm trợ của xe bọc thép phong tỏa căn cứ của lực lượng phòng vệ bờ biển Ukraine, gần thủ phủ Simferopol thuộc bán đảo Crime ngày 2.3.

Trong khi đó, chính quyền Ukraine đang suy sụp, nhận viện trợ từ Nga và đang nợ tiền khí đốt của Nga. Tình hình thực tế đã cho thấy rằng, bài toán kinh tế của Ukraine gắn chặt với Nga như “anh em sinh đôi”. Vì thế, mọi hành động chống lại Nga của Kiev đều khiến cho Mátxơcơva khó chấp nhận.

Ngày 3.3, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố các máy bay chiến đấu của Nga đã 2 lần xâm phạm không phận Ukraine trên Biển Đen vào đêm 2.3. Cùng ngày 3.3, lực lượng biên phòng Ukraine cho biết trong vòng 24 giờ qua, đã có 10 trực thăng chiến đấu và 8 máy bay vận tải quân sự Nga hạ cánh xuống bán đảo Crimea. Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.

Mọi hành động của Kiev bây giờ đều phải đúng mực đối với Nga, nếu xâm phạm vào lợi ích của Nga ở Ukraine hay Crimea thì Nga sẽ có thái độ kiên quyết. Đây chính là thông điệp gián tiếp của Nga khi đưa quân vào Crimea.

Tuy nhiên lại có ý kiến cho rằng, Nga không nổ súng là vì sức ép từ Mỹ, đặc biệt là sau cuộc đấu trí giữa 2 ông Obama và Putin suốt 90 phút điện đàm?

- Việc Mỹ và phương Tây đe dọa trừng phạt Nga, hay là rút không tham dự hội nghị G-8, thực ra không có gì đáng ngại đối với Nga.

Ngay trong châu Âu cũng đang tan tác, không đoàn kết với nhau và chưa thống nhất về phương án với Ukraine. Một lực lượng không muốn gây sự với Nga vì có lợi ích gắn chặt với Mátxơcơva, ví dụ như Đức, nền kinh tế vững nhất châu Âu hiện nay. Bên cạnh đó là một số nước không ưa Nga và muốn can thiệp vào Ukraine như Anh, Pháp.

Ngoài ra, Mỹ và EU cũng cần Nga, đó là mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Ở Syria, ở Afghanistan, Mỹ đều cần đến Nga để thực hiện các kế hoạch của mình. Năm nay Mỹ cần rút quân khỏi Afghanistan, nếu không nhận được sự ủng hộ từ Nga, Mỹ sẽ lại sa lầy.

Với EU, 28% khí đốt là nhập khẩu từ Nga, riêng ở Đức là 40%, từ đó cho thấy EU không thể tách rời lợi ích của mình khỏi Nga…

Tôi cho rằng, những tuyên bố của ông Obama và phương Tây chỉ là “chém gió”.

>> Theo dõi "Khủng hoảng chính trị tại Ukraine" trên Dân Việt tại đây <<

Khó xảy ra chiến tranh

Liệu có thể tin được rằng, Nga chỉ đưa quân vào Crimea chỉ để cảnh cáo mà không nổ súng, trong khi có tin, ở Crimea đã có đổ máu?

- Về khả năng đổ máu ở Crimea thì lại tùy theo mức độ và quy mô “đổ máu”. Như chúng ta biết, từ ngày 18.2, những cuộc biểu tình, đụng độ nhỏ lẻ ở Crimea đã xảy ra tình trạng đổ máu ở đây và như thế, những nhóm đụng độ nhỏ lẻ thì không loại trừ. Còn khả năng chiến tranh đẫm máu thì rất khó.

Có những lý do để nhận định như vậy. Thứ nhất, Nga không có lợi ích gì trong việc phát động chiến tranh quy mô lớn, trừ khi chính quyền Kiev khá liều lĩnh, tấn công Nga trước. Nếu trường hợp đó xảy ra thì chắc chắn Nga không khoanh tay đứng nhìn.

Nhưng hiện nay, Chính quyền Kiev không có sức và lực để làm điều đó. Kiev đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ vì tài chính cạn kiệt, trong khi EU lại chưa sẵn lòng móc hầu bao để viện trợ. Ukraine đã hiểu là không nên “sờ vào râu hùm của ông bạn Nga”.

Nhưng chắc rằng Nga sẽ không để yên cho Ukraine sau những diễn biến vừa qua?

- Đúng vậy. Tùy vào hành động của Kiev mà Nga sẽ có phản ứng thích hợp. Tôi cho rằng, Nga vẫn còn nhiều “ngón đòn khôn ngoan” lắm mà họ chưa sử dụng thôi.

Nga chưa cần phải dùng đến đòn quân sự mà chỉ cần đánh vào kinh tế là đã đủ chết rồi. Ví dụ như Nga cắt viện trợ, cắt nguồn cung cấp khí đốt và cấm hàng hóa Ukraine nhập khẩu sang Nga. Hiện nay, Nga là thị trường lớn nhất cho các mặt hàng của Ukraine, trong khi những mặt hàng này lại chưa đủ tiêu chuẩn để lọt vào thị trường EU, nên nếu Nga cấm vận kinh tế, Ukraine sẽ sụp đổ. Nói một cách dễ hiểu là “chìa khóa” đang nằm trong tay điện Kremlin. Và trả giá cho sự “chọc giận” Nga, Ukraine sẽ bị thắt chặt kinh tế và cắt viện trợ từ Nga.

Thưa ông, cú đòn kinh tế mà Nga sẽ giáng vào Ukraine sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế toàn cầu?


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Grigory Karasin tuyên bố: “Nga không muốn có chiến tranh với Ukraine”. Phát biểu trong chương trình truyền hình “Tối Chủ nhật với Vladimir Solovyov” ngày 2.3, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, bà Valentina Matviyenko khẳng định chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra giữa Nga và Ukraine.

- Ukraine chỉ là một điểm nhỏ bé trên bức tranh kinh tế toàn cầu, nên sức ảnh hưởng của nó không lớn.

Vậy những căng thẳng theo kiểu “mèo vờn chuột” như hiện nay ở Crimea sẽ kéo dài trong bao lâu và giải pháp nào có thể “vẹn cả đôi bên” thưa ông?

- Tình hình này sẽ không thể kéo dài lâu được vì chính quyền non trẻ của Kiev không đủ sức để trụ lâu. Các bên liên quan sẽ phải ngồi đàm phán. Để cứu Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, Nga, Mỹ và EU phải ngồi lại với nhau và phải thỏa hiệp để đồng ý cho Ukraine tiến hành bầu cử Tổng thống vào ngày 25.5 như dự kiến.

Cuộc bầu cử này sẽ “đẻ” ra chính quyền Kiev thân phương Tây, nhưng trong chính quyền sẽ có những nhân vật thân Nga. Đó là những thỏa hiệp. Và chính quyền này chỉ có thể tồn tại nếu họ giữ cân bằng 50-50 giữa Nga và phương Tây. Bài học nhãn tiền trong lịch sử Ukraine đã cho thấy điều đó.

Còn việc quân đội Nga vẫn cứ hiện diện ở Crimea là chuyện hoàn toàn bình thường vì họ có quyền đó, theo một Hiệp ước họ đã ký với Ukraine thì sự hiện diện này là hợp pháp cho đến khi thời hạn ký kết thúc vào năm 2042.

Xin cảm ơn ông!