Bánh tráng cuốn Đại Lộc từ xưa đến nay đã trở thành món quà quê không thể thiếu của người xứ Quảng để tặng bà con và để dùng trong ẩm thực hàng ngày, nhất là ba ngày Tết.
Những ngày giáp tết về Đại Lộc, trên những con đường vào các làng, đâu đâu cũng bắt gặp người làm bánh hối hả mang bánh tráng phơi để kịp đón mùa Xuân mới.
Công đoạn khó nhất là “bắt bánh” ra vỉ, vì bánh còn ướt, dễ bị rách nên người thợ phải rất cẩn thận.
Theo những người làm bánh tráng cuốn lâu năm ở Đại Lộc, để có bánh ngon đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo trong việc pha chế bột cũng như thao tác tráng bánh trên bếp lò. Gạo phải là gạo mới và đảm bảo ba yếu tố thơm, ngon, dẻo. Gạo sau khi vo sạch, ngâm cho mềm và thay nước liên tục, xong đem xay nhuyễn.
Bột phải trộn thật đều, lượng nước vừa đủ để bột không được quá lỏng hay quá đặc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Bỏ thêm ít muối để tạo mùi vị cho bánh. Khi tráng phải nhanh tay quay đều, nếu không bánh sẽ bị chỗ dày chỗ mỏng, sau đó đậy kín một lúc, bánh chín vớt ra trải lên vỉ đem phơi nắng. Nếu thời tiết có nắng tốt, chừng hai giờ thì bánh khô...
Bánh tráng Đại Lộc thường dùng để cuốn thịt heo luộc, cá hấp… với rau sống. Đây là những món ăn tuy quen thuộc, giản dị nhưng lại có sức hút kỳ lạ. Người xứ Quảng, ăn bánh tráng cuốn quanh năm, suốt tháng. Đặc biệt, trong những ngày tết, nhà nào cũng mua 5-10kg bánh tráng trữ trong nhà để ăn và mời khách quý đến thăm chơi. Đối với những người con xa quê, tết đến thường nhận được món quà ý nghĩa là bánh tráng từ người thân và bạn bè gửi cho.
Nếu có dịp ngang qua vùng đất xứ Quảng, bạn hãy một lần ghé thăm những làng bánh tráng ở Đại Lộc để chứng kiến sự cần cù, khéo tay của những người thợ nông dân “chân lấm tay bùn” nhưng đã làm ra những chiếc bánh tráng cuốn thơm ngon mang đặc trưng riêng và chỉ có ở xứ Quảng.