Nguyên nhân là do các nhà máy đóng trên địa bàn không chịu thu mua mía cho dân vào đúng thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch.
Mía... “đắng”Thanh Hóa có tới 12 huyện là vùng nguyên liệu mía phục vụ cho 3 nhà máy sản xuất đường, với diện tích khoảng 35.000ha, tương đương khoảng 3,2 – 3,5 triệu tấn mía, tập trung chủ yếu ở các huyện Thạch Thành, Nông Cống, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc... Trong đó, vùng mía của Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Nhà máy Đường Lam Sơn) khoảng 17.400ha, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan (Nhà máy Đường Việt – Đài) 11.000ha, còn lại là vùng mía của Công ty CP Mía đường Nông Cống (Nhà máy Đường Nông Cống).
Ở các xã Minh Sơn, Minh Tiến (Ngọc Lặc) có rất nhiều đống mía đã khô héo như củi mà nhà máy vẫn chưa đến chở.
Hiện đang là thời kỳ cao điểm các nhà máy thu mua mía để ép, nhưng các nhà máy vẫn chưa có “lệnh” chặt mía. Đi dọc đường Hồ Chí Minh từ huyện Thạch Thành đến Thường Xuân gần trăm km, đâu đâu cũng thấy những bãi mía trổ cờ, nhìn xa chẳng khác nào một rừng lau sậy. Bà Nguyễn Thị Đích ở thôn Tân Lý, xã Thành Tâm (Thạch Thành) chỉ tay về phía cánh đồng mía đang trổ bông, buồn rầu cho hay:
“Nhà tôi làm 1ha mía, nhưng nay mới thu hoạch được một nửa, nửa còn lại phần để lâu bị chuột cắn, phần cây khô héo, trổ cờ, nên năng suất và chữ đường giảm rất nhiều, kéo theo giá thành giảm từ 950.000 đồng/tấn, xuống còn 900.000 đồng/tấn. Cứ đà này độ 1 tháng nữa là mía trổ trắng đồng, thiệt hại, thua lỗ lại đổ lên đầu nông dân”.
Anh Phạm Văn Tâm (xã Minh Sơn, Ngọc Lặc) tỏ ra rất bất bình khi Nhà máy Đường Lam Sơn thu mía cầm chừng, khiến lượng mía trên đồng hiện còn rất nhiều. “Nếu chúng tôi vi phạm hợp đồng, nhà máy sẽ phạt trừ tiền ngay lập tức, ngược lại nhà máy vi phạm không thu mua mía, để mía khô, trổ bông thì không ai phạt. Dân kêu thì họ làm ngơ, hoặc hứa cho qua chuyện. Thậm chí họ còn “lừa” chúng tôi chặt mía ra để cả tháng vẫn chưa chở đi, khiến sản lượng, chất lượng mía giảm rồi đánh tụt giá. Dân chúng tôi sắp đến đường cùng rồi” – anh Tâm nói.
Ông Mai Văn Nho – Giám đốc Công ty TNHH MTV Yên Mỹ (Nông Cống, Thanh Hóa), cho biết: “Công ty có 235ha mía, nhưng mới thu hoạch được trên 50%, số diện tích mía còn lại cũng đã trổ cờ 100%, nhưng do nhà máy trục trặc liên tục nên nông dân cũng phải dừng thu hoạch mía. Theo ước tính, những ruộng mía bị trổ cờ hàng loạt khi chưa được thu hoạch sẽ giảm năng suất và thất thu từ 15 - 20% lợi nhuận. Vì phần lớn nông dân vùng nguyên liệu mía của tỉnh trồng và thu mua mía theo hợp đồng với các nhà máy, do vậy dù mía đã ra hoa, trổ cờ thì người nông dân vẫn không thể tự động chặt mía nếu chưa có lệnh thu hoạch”- ông Nho nói.
Bà Đỗ Thị Loan – Phó phòng Nông nghiệp huyện Thọ Xuân cho biết: “Toàn huyện có 3.520ha mía, hiện mới thu hoạch được khoảng 2.000ha, số còn lại đã trổ cờ hơn 1 nửa. Bà con nông dân đang rất hoang mang, lo lắng không phải vì công ty không thu mua mà vì mía trổ cờ”.
Ông Đỗ Văn Kỳ - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Thanh Hóa) cho biết, hết ngày 30.4 là thời hạn cuối thu hoạch mía, nhằm kịp thời vụ tiếp theo, nhưng hiện các công ty mới tiêu thụ được hơn 55% lượng mía. Trong khi đó, công suất tiêu thụ của Nhà máy Đường Lam Sơn khoảng 8.000 - 9.000 tấn/ngày, Nhà máy Đường Việt - Đài 6.000 tấn/ngày và Nhà máy Đường Nông Cống 2.200 - 2.500 tấn/ngày. Hiện lượng mía tồn khoảng 15.000ha, tương đương khoảng 1,5 triệu tấn, cứ đà này rất khó tiêu thụ hết.
|
Theo anh Ngô Văn Hạnh - cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Thủy: “Hiện tượng trổ cờ xuất hiện là điều bình thường trong quá trình sinh trưởng của cây mía, nhưng điều đáng ngại là năm nay, mía trổ cờ với diện tích lớn và sớm hơn mọi năm”. Theo phản ánh của bà con nông dân, mía trổ cờ chủ yếu ở các giống: ROC1, ROC10, 16; viên lâm, quế đường 93, 94… là các loại giống mía chủ lực mà mấy năm gần đây người dân vùng nguyên liệu trồng rất nhiều do năng suất, chữ lượng đường cao.
Thời tiết bất thường, ít mưa và khô hanh hơn mọi năm được xác định là những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mía trổ cờ. Nhưng một số ý kiến cũng cho rằng, rất có thể nguồn giống có “vấn đề” hoặc phương pháp chăm sóc, bón phân của người dân chưa phù hợp với điều kiện thời tiết năm nay. Ngoài ra, không ngoại trừ khả năng là do các nhà máy hoạt động chưa hết công suất, gây ảnh hưởng đến tiến độ thu mua.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đặng Thế Giang – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho biết: “Tình trạng nhiều diện tích mía trổ cờ hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến của thời tiết. Để tránh tình trạng thiệt hại cho người trồng mía, công ty vẫn đang ưu tiên thu mua những vùng có mía trổ cờ trước. Cứ theo tiến độ hiện nay, thì chỉ cuối tháng 3 công ty sẽ hoàn thành kế hoạch”.