Từng nắm giữ một chức vụ cao trong nhà nước mà nhiều người có mơ cũng
không dám nghĩ tới, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã quyết định
về quê sớm để làm anh thợ mộc bình dân, thực hiện niềm đam mê ấp ủ với những “vốn” cổ
từ hai bàn tay trắng.
Với những ai trong nghề, cái tên Lê Văn Tăng đã không còn lạ lẫm. Họ biết đến ông không chỉ ở tài năng, sự táo bạo, ham học hỏi, mà còn là con người điềm tĩnh, tính cách thanh tao đáng kính. Dẫu là một doanh nhân lớn, có tiếng nói, địa vị trong xã hội nhưng ông sống rất giản dị, khác thường.
Ông có nhiều ước mơ và dự định cho tương lai.
Từ bỏ ghế “quan” về nhà làm thợ mộc
Sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa, ông Tăng chập chững bước vào con đường công danh sự nghiệp. Bằng khả năng của mình, ông được đề bạt giữ chức vụ Trưởng phòng kế hoạch của Công ty lợn giống thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trụ sở đóng tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Rồi “đùng” một phát, đến năm 1997, ông Lê Văn Tăng bất ngờ có một quyết định táo bạo là từ bỏ ghế Trường phòng kế hoạch về nhà làm anh thợ mộc bình dị để nuôi khát vọng, niềm đam mê với “vốn” cổ của dân tộc.
Sau hơn 15 năm sau miệt mài mà như lời ông bảo là đồ họ bỏ đi ông nhặt nhạnh mua lại về trùng tu để lưu giữ, đến nay ông đã có trong tay hàng chục ngôi nhà cổ, quý, hiếm có giá hàng chục triệu USD trước sự ngỡ ngàng, đầy thán phục của bạn bè, đồng nghiệp.
Khu nhà cổ Vinahouse do ông chắt chiu gây dựng nay đã trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng.
“Không biết tại răng mà đến chừ tui còn nhớ những bữa đi ăn chực nửa buổi của mấy ông thợ mộc trong làng. Hồi đó tui mê cái nghề thợ mộc nên thấy chỗ mô có mấy ông thợ mộc làm nhà là tui lân la tìm đến để ngồi xem họ đục đẻo chạm trổ.” - Ông Lê Văn Tăng vừa cười vừa kể.
Thời ấy, ông từ bỏ ghế “quan trường” về quê lập nghiệp khó khăn, chật vật muôn trùng. Nhưng với ông đó là những kỷ niệm đẹp của mình, không bao giờ quên. Những kỷ niệm đó như là hành trang, bài học để ông nói lại cho con cháu của mình. “Khi bỏ quan về nhà làm anh thợ mộc, trong tui vẫn còn nhớ như in những đường chạm trổ trên những vì kèo, cây cột những ngôi nhà cổ cuốn hút đến lạ”- Ông Tăng kể.
Rồi ông Tăng nhớ lại những tháng ngày chật vật năm 1997, khi đó xót cho nhiều ngôi nhà cổ ở vùng thôn quê được các chủ nhân phá bỏ vì không đủ tiền cũng như không có thợ giỏi để trùng tu. Thời đó, theo ông nhẩm tính, để trùng tu một ngôi nhà cổ phải tốn kinh phí lên đến gấp 5-6 lần xây một ngôi nhà mới bằng bê tông vững chắc.
Kèm theo đó, chuyện tìm một “chuyên gia” trùng tu, có am hiểu về nhà cổ cũng khó khăn, có tiền chưa chắc “mời được”. Chính vì lý do đó mà nhiều chủ nhân ngôi nhà cổ đành “đau đớn” tháo dỡ và xây nhà mới bằng bê tông, trước để ở, sau là chỗ thờ phụng ông bà, tổ tiên.
Địa danh du lịch của ông hấp dẫn du khách gần xa bởi sự mộc mạc, gần gũi của làng quê Việt.
“Nhìn những ngôi nhà cổ với những đường chạm trổ tinh vi bị tháo dỡ chất đống hư hỏng vì mưa nắng mà lòng đau quặn thắt. Lúc đó tui chỉ nghĩ nếu mình có tiền mua lại hết những ngôi nhà cổ bị tháo dỡ đem về cất giữ để phục chế. Nhưng lại không có tiền” -Ông Tăng nhớ lại một thời khốn khó.
Trong ký ức chưa xa của mình, ông Tăng nhớ lại lần liều đầu tiên mà ông bảo là bước đệm đầy hiểm nguy để ông đến với nhà cổ đổ nát và giữ lại cái hồn thiêng của cha ông. Đó là lần vào đầu năm 1997, khi bỏ quan về làm thợ mộc, ông quyết định bỏ ra một cây vàng mua nhà cổ đổ nát. Rồi kể từ đó, ông khởi nghiệp…
Trở thành tỷ phú triệu đô từ những căn nhà cổ đổ nát, xập xệ
Khởi nghiệp từ số vốn khá khiêm tốn như vậy, ông Tăng đã có những bước đột phá. Ban đầu, ông cầm 1 cây vàng trên làm vốn trong tay, ông Tăng lặn lội về những vùng quê nghèo, hẻo lánh của Quảng Nam để mua nhà với giá “rẻ”. Ông nhớ đó là lần vào xã Bình Nam mua ngay ngôi nhà cổ đầu tiên đúng 1 cây vàng rồi vận chuyển đưa về nhà trùng tu sửa chữa.
Chỉ sau hơn 3 ngày đưa ngôi nhà cổ về lắp ráp và phục dựng ngay trước sân nhà, lập tức có 3 người đi xe ô tô đến nhà buổi sáng ngã giá mua lại ngôi nhà cổ cũ với giá 6 triệu đồng. Ban đầu, ông thấy mừng và vui lắm. Nhưng suy đi ngẫm lại, ông vẫn lắc đầu không chịu bán.
Vài ngày sau, vị khách trở lại và trả giá gấp đôi (tức 12 triệu đồng), ông cũng nhất định không bán mà để làm “mẫu”. Sang sáng hôm sau, họ quay lại đưa giá 28 triệu, lúc đó ông Tăng toát mồ hôi vì không nghĩ căn nhà cổ đổ nát này của mình lại có giá cao đến như vậy. Không ngần ngại, ông Tăng đã gật đầu bán để có ít vốn liếng và nuôi ước mơ kinh doanh.
Thắng lớn từ căn nhà cổ đầu tiên ông mua với giá 2 triệu đồng, tương đương 1 cây vàng thời đó, khi đem về phục dựng và bán lại lời hơn 26 triệu đồng tương đương 11 cây vàng lúc ấy, ông vui mừng khôn xiết và chính thức bắt tay, dồn tâm huyết vào kinh doanh nhà cổ.
Có vốn, ông Tăng bắt đầu công cuộc rong ruổi đi săn tìm nhà cổ đổ nát mua về phục dựng và trùng tu. Và cứ thế, ông đi lên dần dần, trở thành giàu có…
Khu nhà cổ Vinahouse do ông chắt chiu gây dựng nay đã trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng.
Từ một xưởng thợ mộc với 2 người thợ cùng làng, chỉ sau đó 1 năm ông đã có hàng chục người thợ mộc với đôi tay tài hoa của các làng nghề mộc truyền thống trong vùng quy về dưới trướng ông.
Ngoài mua những ngôi nhà cổ đổ nát về trùng tu phục dựng, đội quân của ông bắt đầu nhận những hợp đồng trùng tu những ngôi nhà cổ cho các đại gia trong nam ngoài bắc. Rồi những căn nhà cổ được phục dựng, tăm tiếng ông được các thương gia, giới săn nhà cổ biết đến. Cứ thế, ông dần dần nhận được nhiều “đơn đặt hàng” từ khắp mọi nơi.
Mãi đến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên nhận hợp đồng trùng tu ngôi nhà cổ cho đại gia Quốc Thắng của thương hiệu gạch nổi tiếng Đồng Tâm, rồi hợp đồng trùng tu phục dựng những ngôi nhà cổ cho họa sĩ Sỷ Hoàng ở TP.HCM vào năm 2000 và hàng loạt ngôi nhà cổ cho hãng cà phê của ông chủ Trung Nguyên, Đắk Lắk.
Lần đầu nhận một đơn đặt hàng lớn như vậy, ông rất lo lắng và trăn trở. Nhưng cuối cùng, ông cũng mỉm cười với những thành quả mà mình làm được. Cũng lần đó, tiếng tăm ông vang xa và có uy tín.
Hỏi ông kỷ niệm nào trong những ngày đầu phục dựng và trùng tu nhà cổ làm ông nhớ nhất? Không chút suy nghĩ, ông kể đó là vào năm 2000 khi nhận hợp đồng trùng tu ngôi nhà cổ cho họa sĩ Sỹ Hoàng tại số nhà 36-38 Lý tự Trọng, TP.HCM. Đó là kỷ niệm khó phai nhất trong quãng đời đi vào “nghiệp” nhà cổ của mình.
Ngôi nhà cổ đó bằng gỗ 4 tầng theo kiến trúc Pháp đã xuống cấp. Nhận trùng tu nhưng lo vì sự khó tính của chủ nhân căn nhà là họa sĩ Sỹ Hoàng. Cuối cùng sau hơn 1 năm với hơn chục người thợ tài hoa của các làng mọc Kim Bồng, Vân Hà, căn nhà cổ 4 tầng hoàn thiện giữ đúng nguyên bản và họa sĩ Sỹ Hoàng gật đầu cảm phục.
Hơn 6 năm sau, từ anh thợ mộc, ông Tăng gần như thống lĩnh trong lĩnh vực trùng tu phục dựng nhà cổ từ trong nam ra bắc và cuối cùng vào năm 2002, ông thành lập Công ty TNHH Quang Vĩnh (tên đứa con trai đầu ông) chuyên kinh doanh nhà cổ. Công ty ông đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân nghèo và là nơi “quy tụ” nhiều nghệ nhân nhà cổ khắp nơi về làm “tổ”
Nhớ lại ngày đầu gian khó, ông Tăng bảo hình như đó là cái duyên, cái nghiệp đã khiến ông đến với nhà cổ, và bây giờ tui ăn, ngủ với nhà cổ. “Nhờ vậy mà hàng nghìn ngôi nhà cổ từ trong nam ra bắc và cả Quảng Nam-Đà Nẵng được phục dựng giữ lại cái hồn của cha ông. Nếu không kịp thời, chắc chắn nhiều ngôi nhà cổ sẽ đổ nát biến thành củi”-Ông Tăng nói.
Hành trình từ "quan trường" về làm anh thợ mộc, rồi lại từ anh thợ mộc nghèo lên thành ông chủ tỷ phú là cả một chặng đường gian khó, nhọc nhằn. Ông vẫn luôn tâm niệm, còn sống là còn làm việc, còn đem vốn cổ dân tộc phát huy, và xa hơn nữa là vươn mình ra biển lớn, quảng bá hình ảnh Việt Nam xưa trong mắt bạn bè năm châu.