Triệu năm rồi đá núi mòn đi bao nhiêu mà tình đá còn đầy mãi. Tự trong sâu thẳm những dãy đá vôi trầm mặc kia thiên nhiên ưu đãi cho Ninh Bình biết bao danh lam, thắng cảnh: Tam Cốc - Bích Ðộng, Vân Long, Vân Trình, Ðịch Lộng, rừng nguyên sinh Cúc Phương, quần thể hang động Tràng An, Cố đô Hoa Lư, hệ thống phòng tuyến Tam Ðiệp - Biện Sơn... và nhiều hang động bí ẩn nằm sâu trong những dãy núi đá vôi đang đợi ngày đánh thức.
Ninh Bình là một trong ba vùng đất có nghề chế tác đá tiêu biểu của cả nước. Ðến đây không những chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ của thiên nhiên mà còn được thấy vẻ đẹp mộc mạc của sản phẩm từ đá núi do bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Ninh Bình tạo dựng.
Ngược dòng lịch sử về thế kỷ thứ 10, Ninh Bình đã có Kinh đô Hoa Lư được mệnh danh là "kinh đô đá" với những tường thành, các công trình kiến trúc đá nổi tiếng. Ai một lần đến đây chắc hẳn không quên tấm Long Sàng (sập rồng) bằng đá đặt trước đền vua Ðinh Tiên Hoàng ở trung tâm Cố đô Hoa Lư được trang trí hết sức độc đáo.
Những sản phẩm ở động Thiên Tôn nằm trong quần thể Kinh đô Hoa Lư xưa như rồng đá, đèn thờ, bệ đá... cũng được chạm khắc tinh vi có cách ta từ ngàn năm về trước.
Ðền Thái vi thờ các vua Trần nằm trong khu Tam Cốc - Bích Ðộng được xây dựng với nhiều chi tiết đá hết sức tinh xảo... Làng nghề chế tác đá nổi tiếng của Ninh Bình nằm gọn trong địa phận xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Số lao động hiện nay không nhiều, chừng trên dưới ba trăm nhưng hầu hết tập trung ở hai làng Xuân Vũ và làng Hệ.
Nhà tôi cách làng đá không xa, hồi nhỏ tôi thường theo ông nội sang làng đá. Ông tôi là người làm thuê cho một nghệ nhân chế tác đá có tiếng. Nghề đá truyền thống Ninh Vân được lưu truyền từ đời này sang đời khác đã từ rất lâu. Tôi được Hồng, con một nghệ nhân chế tác đá kể cho nghe những câu chuyện về thế giới của đá với bao nhiêu những buồn vui, chìm nổi.
Em cũng thường dẫn tôi đi xem những sản phẩm đá quê em. Em lớn lên theo bước thăng trầm của làng đá, nên em yêu đá như máu thịt mình. Có lúc em thẫn thờ trước ngọn Vọng Phu ngân ngấn lệ; khi thì đứng lặng trước núi Hòm Sách như muốn lật mở từng trang vào buổi bình minh; lúc lại chắp tay thành kính trước núi Thiên Dưỡng linh thiêng, huyền bí...
Có lần em chỉ tay về phía mờ xa mà nói: Những ngọn núi cao kia trồi lên khỏi quầng mây như những bóng người đứng ngóng trông nhau. Ðá có ngôn ngữ riêng, chỉ ai thương đá lắm mới nghe thấy những lời thì thầm của đá. Ðá quần tụ thành gia đình, chòm xóm, nếu phải lạc nhau cả đời đá buồn bã lắm. Em bảo sau này sẽ lấy chồng làng đá để mãi mãi gắn bó với quê.
Lớn lên, đi xa, nghĩ lại tôi mới thấu hiểu người làng đá và đá núi hòa quyện vào nhau như hình với bóng theo suốt những dãi dầu mưa nắng.
Người làng đá sinh ra từ đá, nghe đá khóc, đá cười, đá hát, hiểu được lòng dạ đá. Ðá bao bọc, gắn bó, rồi theo năm tháng cũng vì mưu sinh và lòng say mê nghề nghiệp mà con người thổi hồn vào đá. Ðã nhiều lần Hồng cùng tôi đứng lặng thật lâu nhìn ngắm những người thợ.
Ðằng sau những sản phẩm kia không biết có bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ ra đã ngấm vào từng thớ đá. Ngay việc chọn đá ở những quả núi xa xôi đã hết sức công phu, rồi vận chuyển những khối đá lớn qua đầm lầy, qua những cánh đồng chiêm trũng... Nhưng thổi hồn vào đá mới là cả một quá trình vắt kiệt mình trong sáng tạo.
Anh Nguyễn Quang Hải, người đã có những thành công nhất định về nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương, hiện là trưởng phòng quản lý báo chí xuất bản thuộc Sở Thông tin - Truyền thông Ninh Bình cho biết: Chạm trổ đá phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, óc thẩm mỹ, trình độ điêu khắc của nghệ nhân. Bởi các đường nét, hình khối, các chi tiết chạm "thông phong", chạm "lộng", chạm "lèo kép" công phu hơn nhiều so với chạm khắc trên gỗ.
Chỉ sai lệch một chút là tạo ra diện mạo những sản phẩm vô hồn. Bởi thế, chạm chi tiết khó của đá thường phải là các nghệ nhân lão luyện nghề, mà số nghệ nhân này ở nước ta hiện nay rất hiếm.
Hồng dẫn tôi đi thăm đình làng Xuân Vũ và một số ngôi đền cổ làng Hệ. Các cột chính của đình làng bằng đá xanh nguyên khối có đường kính hai người ôm mới hết, bề mặt chung quanh được chạm khắc hoa văn với hình rồng uốn lượn. Soi vào những hàng cột đá tĩnh lặng, uy nghiêm, ta như quên hết nỗi mệt mỏi đời thường rồi lòng trào dâng niềm thanh thản.
Làng Hệ hiện còn một số ngôi đền cổ, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, đền Kê Thượng, đền Kê Hạ không có tường và mái che, dân gian gọi là "Ðền Trần". Những ngôi đền này kiến tạo bằng đá cổ trong không gian núi đá tự nhiên độc đáo, lạ thường, qua năm tháng rêu phong vẫn đẹp mộc mạc bền gan cùng trời đất.
Theo kết quả giám định, được biết những phiến đá dựng đền có từ thời nhà Ðinh, nhà Lý. Tôi gõ nhẹ tay vào chiếc khánh đá trước cửa ngôi đền, tiếng đá ngân lên trộn vào trời đất như được lọc qua thời gian và cát bụi mà nghe trong đến vô cùng. Phải chăng, tiếng đá là hiện thân của tiếng nghề chạm khắc?
Ở làng Hệ còn có một ngôi đình cổ năm gian với nhiều chi tiết bằng đá phiến như cột, xà, sập, tượng, bàn thờ, kệ được chạm hoa văn, rồng, phượng, long, mã, cá, mây với những đường nét cầu kỳ, sống động như chạm khắc trên gỗ ở nhiều công trình kiến trúc. Ngoài đình, chùa, hai làng có lưu giữ được một số ngôi nhà của dân làng với nhiều bộ phận bằng đá tinh xảo.
Các vật dụng sinh hoạt bằng đá ở làng Xuân Vũ và làng Hệ rất phong phú, đa dạng về chủng loại và kiểu dáng như: cối, máng, chậu cảnh, đèn, phù điêu, cột trụ, đài phun nước, tranh ảnh, bia, lư hương, bát hương, ấm chén, tượng đài, bàn, ghế, sập, kệ, bình, khánh, non bộ... Từ lâu đời, các sản phẩm đá đã gắn bó với con người, phục vụ con người rồi theo suốt những kiếp người xuyên dần theo dòng chảy lịch sử.
Ði vào địa phận làng Xuân Vũ và làng Hệ như đi trong lòng của đá. Những dấu vết tầng tầng chín rạn của những trái núi đậm, nhạt, xa, gần đã nói với ta về những cơn vật vã của đá mỗi lần sinh nở. Ðá vật lộn với biết bao kiến tạo địa tầng, đã nung đỏ mình trong bao nhiêu những chảo lửa khổng lồ để rồi qua năm tháng biếc xanh một màu cổ tích.
Ðá bao dung, độ lượng như bàn tay tạo hóa xòe ra che chở con người rồi xẻ mình thành tấm, thành phiến, thành những vật dụng thủy chung chia vui, cộng khổ với từng thân phận con người. Mỗi sản phẩm đá như kết từ khí thiêng của những ngọn núi mà gốc rễ bám sâu vào lòng đất dọi lại rồi từng sản phẩm lại phát quang mê hoặc con người.
Nhà thờ lớn Phát Diệm nổi tiếng bởi có Nhà thờ trái tim đức mẹ được làm hầu như hoàn toàn bằng đá. Tiếng chuông nhà thờ chiều chiều ngân lên được đá cộng hưởng như không cùng, trong suốt độ vang xa. Theo lời kể của ông Lương Xuân Lai, người làng Xuân Vũ thì cụ nội ông cùng nhiều người làng Xuân Vũ và làng Hệ đã trực tiếp tham gia xây dựng công trình này.
Các nghệ nhân cao tuổi ở làng đá cho biết, vị tổ đầu tiên của nghề chế tác đá Ninh Vân là cụ Hoàng Sùng người gốc Thanh Hóa, là một người chế tác đá nổi tiếng ra Ninh Vân sinh sống, lập nghiệp và truyền nghề. Cụ xem mạch vân mà đoán được tuổi đá, từng làm ra những cối xay lúa bằng đá mà thóc xay chẳng khác gì xay cối tre, cối đất. Sau khi cụ mất, tưởng nhớ công ơn cụ, những người địa phương đã thờ cụ ở ngôi "Ðền Trần" của hai làng Xuân Vũ và làng Hệ.
Cách đây hơn 100 năm, nghề chế tác đá ở Ninh Vân rất phát triển, sau đó chững lại và có chiều hướng đi xuống bởi tác động của hai cuộc chiến tranh. Cũng vì nghề mà những nghệ nhân đá Ninh Vân đã đi khắp nơi tham gia xây dựng, trùng tu các công trình kiến trúc, các di tích như: đền Trình (Chùa Hương - Hà Tây), Phủ Dày (Nam Ðịnh), Nghinh Phong Các (trên đỉnh núi Non Nước - Ninh Bình)... và nhiều công trình đá ở các địa phương trong toàn quốc.
Từ năm 1976 lại đây, nghề đá Ninh Vân được khôi phục và từng bước trả về những giá trị vốn có. Một số nghệ nhân tiêu biểu của làng Xuân Vũ và làng Hệ đã vinh dự được trực tiếp tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1989, một nhóm thợ chế tác đá Ninh Vân đã tạo dựng công trình tượng đài liệt sĩ bằng đá trên đồi Không Tên ở Thủ Ðức, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1990, nhóm thợ này sang Cam-pu-chia tạo dựng cụm tượng đài "Anh lính tình nguyện" thật hoành tráng. Ðây là một trong những "biểu tượng" của tình hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia.
Một vài năm lại đây làng đá nhộn nhịp hẳn lên bởi những sản phẩm đá được nhiều địa phương trong cả nước tìm về đặt hàng tăng đáng kể. Số lao động cũng tăng dần và đời sống vùng đá này khởi sắc...
Bây giờ về làng đá, Hồng không còn ở đấy nữa, nghe nói có ai đó đã xin cho em đi làm trong ngành bưu điện sống xa quê. Theo dọc tuyến đường liên xã dài trên cây số, tôi bắt gặp vô số những sản phẩm đá thành phẩm và bán thành phẩm nằm ngổn ngang trước cửa mỗi gia đình.
Tiếng búa, tiếng đục bạt, đục nhọn, cưa, khoan... hòa vào nhau tạo nên những âm thanh đá thật trầm hùng ở miền quê thơ mộng. Nhìn ngắm những sản phẩm được chế tác từ đá sống động trong không gian bao bọc bởi muôn vàn núi non điệp trùng, tự dưng tôi không nghĩ về đá mà nhớ về những thế hệ con người, những bậc tiền nhân đã giữ được tay nghề truyền đời cho hậu thế.
Tôi nghĩ và nhớ nhiều đến Hồng, cô gái làng đá có mái tóc đuôi sam đẫm hương bồ kết lúc nào cũng vương đầy bụi đá. Tôi làm sao quên được hình bóng em thường ra chậu đá nước mưa trước vườn nhà soi gương chải tóc. Tôi nhớ và nghĩ nhiều câu hát ngày xưa em thường hát: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Tôi gọi em mà chỉ nghe bốn bề đá dội... Ðường đời muôn nẻo, năm tháng trôi xuôi, muôn hình đá vẫn còn đây bồng bềnh trong sương khói mà một em giờ ở nơi nào...