Ngoài túp lều rách nát rộng 20m2, tài sản không có gì đáng giá, vợ đìu con ríu, Nhất còn có thêm 1 ông bố mù và 2 đứa em thần kinh không bình thường.
Nhất sinh năm 1977, năm 1992 huyện và xã có chủ trương “di dân” kinh tế mới lên Phú Thọ, do gia cảnh nghèo mà con đông, bố mẹ Nhất “cắt đôi” gia đình nửa ở lại quê cũ, nửa lên quê hương mới. Hai năm sau, trong một lần về thăm nhà mẹ Nhất mất vì tai nạn. Bố Nhất vì thương vợ khóc nhiều quá mà sinh ra mù lòa, ông đành về lại Vạn Yên…
Mấy thế hệ nhà anh Nhất sống trong ngôi nhà… nát như tương.
Cứ nghĩ khi đi vì “chưa cắt hết quân số” nên vẫn còn ruộng đất ai ngờ sau năm 1993, HTX đã “hóa vàng” toàn bộ ruộng canh tác! Ruộng không, nhà cửa không, mấy bố con Nhất rơi vào túng quẫn. Thương tình, anh em cô bác trong dòng họ cắt cho hơn 20m2 đất, bà con láng giềng người cây tre, kẻ viên gạch để bố con Nhất dựng tạm túp lều lấy chỗ chui vào chui ra. Bản thân Nhất, ngoài bệnh tim bẩm sinh, mới đây lại mắc thêm bệnh khớp và vôi hóa cột sống!
Hiện tại, 7 người trong gia đình Nhất chỉ trông chờ vào số phụ cấp xã hội 350.000 đồng của ông Hợi (bố đẻ Nhất) và hơn 100.000 đồng/ngày công gánh gạch thuê của vợ Nhất. Theo tinh thần của Nghị định 167, gia đình Nhất thuộc diện được xóa nhà tạm; nhưng khi chúng tôi đề cập đến chuyện này, Nhất như “đỉa phải vôi”: “Trời ạ nếu gia đình em được hưởng phúc ấm ấy thì đâu phải sống cảnh “chó lợn” lâu nay”. Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Yên cho hay: Hiện Vạn Yên còn 193 hộ nghèo, năm 2013 có 3 hộ được Vietinbank hỗ trợ xây nhà tình thương, trường hợp gia đình anh Nhất chưa được xét hỗ trợ xây nhà do hoàn cảnh địa phương rất… khó khăn!
Mới đây, chúng tôi đã liên hệ với văn phòng UBND huyện Mê Linh để tìm hiểu thêm về việc chia ruộng cho dân, việc hỗ trợ nhà cho hộ nghèo… ông Phạm Thành Đô – Phó Chánh văn phòng hứa sẽ sắp xếp lịch để phóng viên trao đổi với lãnh đạo huyện. Nhưng đến khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi vẫn chưa nhận được sự hồi âm từ phía UBND huyện Mê Linh…