Thành phố Bắc Giang những ngày sau Tết Nguyên đán, len lỏi trong làn mưa xuân lất phất, cái se lạnh phương Bắc, dòng người đi lễ chùa… là tiếng rao trong trẻo, mặn mà: “Ai mua muối không?”.
Người nào cũng muốn mua về nhà một chút muối để lấy may trong năm mới. Mua muối đầu năm, chẳng ai cò kè mặc cả, bớt một thêm hai, người bán ra gái bao nhiêu thì người mua trả giá bấy nhiêu. Người bán mong muốn có một năm buôn bán suôn sẻ nên cũng biết ý không nâng giá quá cao, người mua thì cầu mong cho một năm mới bình an, thuận lợi, cả hai bên đều vui vẻ.
Cụ bà Trần Thị Hảo (phường Đa Mai – TP Bắc Giang), năm nay đã 88 tuổi, dắt đứa cháu nhỏ ra mua muối. Cụ bảo: “Mua muối đầu năm không ai mặc cả đâu. Đi mua may mắn, bình an về mà mặc cả thì mất hết lộc. Mua mấy đồng lấy may cho cả năm, gia đình bình an, vạn sự hanh thông, tấn tới”. Cũng theo cụ Hảo, bây giờ, để tiện lợi cho việc mua bán nhanh chóng, người ta thường hay đong sẵn muối ra các túi nhỏ, nhưng nhiều người vẫn thích mua muối đong bằng bát. Mà muối đong bằng bát phải có ngọn đầy, không được vạt nghiêng miệng bát, sẽ mất đi sự mặn mà, trọn vẹn.
Quanh thành phố Bắc Giang, chúng tôi thấy còn có khá nhiều người bán muối dạo trong ngày đầu năm mới. Họ không chỉ bán ở những khu tập trung nhiều người đi du xuân như cổng đình, chùa, công viên, quảng trường lớn mà còn vào từng ngõ ngách của thành phố, phục vụ nhu cầu của người dân.
Mua muối đầu năm là phong tục đẹp của người Việt
Chẳng phải là cửa hàng to, biển hiệu lớn, chỉ là chiếc xe đạp bình dị,
có khi là quang gánh bộ, thúng muối nhỏ và tiếng rao trong trẻo, nhẹ
nhàng cũng đủ để gây sự thu hút đối với người mua. Chị Dương Thị Mai
(Tân Dân – Yên Dũng), người đã có nhiều năm bán muối hay cười vui, ví
những người đi bán muối đầu năm như mình giống như “ông tài lộc” mang
may mắn đến cho mọi nhà.
Chị tâm sự: “Bán muối dịp đầu năm cảm
thấy vui hơn ngày thường. cảm giác như mang lại cho mọi người một chút
may mắn, tài lộc, mà mình cũng nhận lại nhiều lời chúc tốt đẹp đầu xuân
năm mới”. Khác với chị Mai, chị Lành (xã Đa Mai – Tp Bắc Giang), chỉ đi
bán muối vào dịp đầu năm, kiếm chút thu nhập lúc công việc nhà nông của
chị còn nhàn rỗi. Theo chị, bán muối dạo đầu năm dễ hơn bán các thứ hàng
hóa khác.
Bán muối không cần vốn lớn, chẳng cần khéo tay. Ngày
xưa muối thường được đong bằng bát, hoặc tính theo cân. Ngày nay, để
thuận tiện hơn thì người ta bao gói sẵn. Dễ ở cả nhu cầu của người mua
rất lớn. Không nghe thấy thì thôi chứ đã nghe thấy thì nhà nào cũng muốn
mua. Và đặc biệt không phải sợ người mua mặc cả, kỳ kèo "bớt một thêm
hai", thường nói bao nhiêu trả bấy nhiêu cho dù giá muối có thể đắt hơn
gấp vài lần ngày thường.
Đầu năm, người đi mua muối để cầu mong một năm mới hanh thông, mặn mà, gắn bó, còn với người bán thì đây là dịp để họ có thêm thu nhập trong cả năm buôn bán không mấy lãi lời. Ngày thường, giá muối chỉ khoảng 4000 đồng/ 1kg, ngày tết, người bán, người mua không mặc cả, giá muối có khi nhích lên 15000 đồng/ 1kg. Họ bán muối, một mặt muốn lưu giữ một nét đẹp truyền thống của cha ông, nhưng trước hết là mong muốn việc buôn bán suôn sẻ, có thêm chút lợi nhuận để bươn trải trong cuộc sống mưu sinh.
Trong văn hóa sống của người Việt, muối là loại gia vị không thể thiếu trong gia đình và còn là nơi gửi gắm những ước vọng trong năm
mới. Dù là ở góc độ ẩm thực, hay phong tục mang tính tâm linh, hoạt muối mang vị mặn của biển, màu sắc trong suốt
là sự biểu hiện cho sung túc, sạch sẽ, thanh cao; tượng trưng cho sự tốt đẹp
trong quan hệ tình cảm. Người Việt xưa còn quan niệm, muối có
thể xua đuổi tà ma, mang đến sự may mắn, an lành.
Vì vậy, đầu năm, người
ta thường hay mua muối để mong ước cho gia đình một năm gắn bó, yêu
thương, vạn sự an lành, làm ăn may mắn, hanh thông. Đó là một trong
những phong tục đẹp đón Tết cổ truyền của người Việt Nam nói riêng và
người phương Đông nói chung.