Phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM
Thưa ông, những kết quả đáng chú ý nhất của Chương trình xây dựng NTM ở TP.HCM trong năm qua là gì?- Có thể nhìn thấy điều này cụ thể nhất từ những con số của năm 2013. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 14.633 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2012. Mức tăng này cao gấp 2 lần mức tăng chung của cả nước (2,95%). So với năm 2009, khi TP.HCM bắt đầu phát động Chương trình xây dựng NTM và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 139 triệu đồng/ha thì năm 2013 đã tăng lên hơn gấp 2 lần, đạt 282 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân của người dân tại những xã đã đạt xã NTM cũng đã tăng từ 15,7 triệu đồng lên 31,5 triệu đồng/người/năm.
Mô hình trồng lan tại các xã NTM TP.HCM đã giúp nâng thu nhập của người dân lên cả tỷ đồng/ha/năm.
Cụ thể hơn, đời sống người dân khu vực nông thôn đã có những chuyển biến gì từ chương trình này?- Trong 6 xã mà TP.HCM chọn làm thí điểm xây dựng Chương trình NTM thì đã có 5 xã đã hoàn thành. Xã còn lại cũng đã đạt 17/19 tiêu chí NTM, dự kiến đầu năm 2014 sẽ hoàn thành.
UBND thành phố nhận xét đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM tại 6 xã thí điểm đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ và phát huy sức dân trong quá trình xây dựng. Cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng (người dân hiến 725.872m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, quy ra giá trị là 615,6 tỷ đồng). Sản xuất phát triển góp phần đưa thu nhập hộ tăng cao; đã xuất hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, có thể nhân rộng như trồng hoa lan, cây kiểng, nuôi cá cảnh…
Đời sống vật chất, tinh thần tại khu vực nông thôn không quá cách biệt so với nội thành, nhân dân ngày một hưởng thụ nhiều hơn về đời sống văn hóa, môi trường xanh, sạch; quy chế dân chủ cơ sở ngày một mở rộng. Tại các xã thí điểm, các tiêu chí chủ yếu như: Thu nhập, liên kết sản xuất, chuyển dịch lao động, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông… đã hoàn thành. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp xã, ấp được nâng lên một bước.
Cũng còn một số tồn tại như tình trạng các khu công nghiệp xả chất thải ra làm ảnh hưởng đến môi trường sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các xã NTM. Thành phố đánh giá thế nào về vấn đề này?- Sau khi Báo NTNN có phản ánh tình trạng đó, vừa rồi Sở NNPTNT đã nhanh chóng đi kiểm tra và báo cáo lên UBND thành phố để chỉ đạo cho Sở Tài nguyên- Môi trường và đơn vị quản lý nhà nước kịp thời xuống kiểm tra và xử lý các trường hợp này, nhằm bảo đảm cho môi trường sản xuất và đời sống của bà con.
Thời gian tới, Chương trình xây dựng NTM của TP.HCM sẽ tiếp tục như thế nào, thưa ông?
UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch nhân rộng xây dựng thêm 50 xã NTM, nâng tổng cộng số xã xây dựng NTM lên 56 xã. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2015 về cơ bản tất cả các xã sẽ đạt 19/19 tiêu chí NTM. Sau đó sẽ tiếp tục duy trì và nâng chất để người dân tiếp tục nâng cao thu nhập, đời sống văn hóa, vật chất...
|
- Năm 2014, TP.HCM tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp – nông dân – nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TQ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình xây dựng mô hình NTM, tập trung vào các công tác đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa – xã hội – y tế… tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thu hút đầu tư doanh nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp tại các xã NTM tiếp tục đi theo hướng nông nghiệp đô thị. Tiếp tục tích cực chuyển đổi những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả, như chuyển đất lúa đạt hiệu quả thấp sang trồng các loại cây khác, nuôi các con vật khác có giá trị kinh tế cao hơn. Để làm được điều này, thành phố chủ trương tiếp tục đẩy mạnh đi theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng công nghệ sinh học và sản xuất giống. Qua việc sản xuất giống sẽ chuyển những giống mới, tốt, có chất lượng cao cho nông dân thành phố và các tỉnh. Chẳng hạn với bò sữa, hàng năm TP.HCM tạo ra hơn 20.000 con giống cung cấp ra cho thị trường cả nước với giá trị thu về là hơn 900 tỷ đồng. Sau đó gắn với việc chuyển giao công nghệ cao, chúng ta sẽ thu về được những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng TP.HCM.
Xin cảm ơn ông!