Không danh lam thắng cảnh, không khu vui chơi giải trí hoành tráng, bà làm du lịch bằng cách để khách “đi hoang” trên ruộng của làng. Bà là tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - Giám đốc Công ty TNHH ATC Việt Nam - Trang trại Đồng Quê Ba Vì (Hà Nội).
Du khách cấy lúa, giã gạo
Khi lên khu du lịch có tên Trang trại Đồng Quê của bà ở ngay chân núi Ba Vì, chúng tôi nghĩ rằng nếu không được nghỉ ngơi trong một khu resort biệt lập, thì chí ít cũng sẽ thả mình trong những căn nhà truyền thống nằm xen giữa các vườn cây. Nhưng vừa đến cổng, bà dúi vào tay chúng tôi mũ lá để đi “tour” cùng một đoàn khách hơn 40 người gồm cả trẻ em và người lớn đang đi phía trước.
TS Ngô Kiều Oanh hướng dẫn một du khách Thụy Sĩ xay lúa. |
Từ cổng trang trại, nhóm khách du lịch đi xuống một ngõ xóm nhỏ, rồi đi thẳng xuống một cánh đồng. Cả đoàn khách đi giữa những ruộng lúa chín vàng đang mùa thu hoạch. Cảnh thôn quê đơn sơ nhưng khiến cho nhóm khách từ Hà Nội hứng khởi hẳn lên. Trong đoàn, có những đứa trẻ 10 tuổi chưa từng cầm trên tay một bông lúa. Chúng tỏ ra thích thú khi đi trên bờ ruộng cỏ mọc lút chân, hay nhảy qua những rãnh nước nhỏ.
Cuối cánh đồng là một ngôi nhà “trình tường” – một kiểu nhà cổ của khu vực này. Bọn trẻ được phát cho những cái nơm cá để xuống ao bắt đầu thực hiện công việc đánh bắt cá, tôm của một nông dân thực thụ. Một nhóm khác được phân công tát nước từ suối lên một ô ruộng để cấy lúa. Trên bờ, củi, rơm đã được chuẩn bị để nướng cá.
Chị Hằng - nhân viên của một công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí đi trong đoàn nói: “Cả hai vợ chồng đều gốc Hà Nội, không còn quê nữa. Lâu lắm rồi, cả nhà mới có được một cuộc đi chơi dân dã mà vui vẻ thế này”.
Một đoàn khách 6 người đến từ Thụy Sĩ đi cùng chúng tôi tham gia đầy đủ tất cả các khâu từ cấy lúa, xay lúa, giã gạo đến xay bột bằng cối đá để làm bánh cuốn. Bà Mechthilde Sohnelein - một du khách trong đoàn thích thú khi được mặc chiếc áo nâu xuống cấy lúa. Bà ráng sức mình đạp chân xuống cái chày giã gạo nặng trịch rồi cả nhóm cười vang. Quan niệm du lịch phải sạch như lau như li, phải sang trọng, hoành tráng ở đây không còn ý nghĩa.
Bán hết tài sản để làm mô hình trình diễn
Khu du lịch của TS Oanh được định vị là cả không gian đồng quê, làng xã quanh chân núi Ba Vì. Một cánh đồng, đường làng ngõ xóm, một người nông dân cũng là sản phẩm du lịch. Trang trại Đồng Quê của bà liên kết với hầu hết những mô hình nông nghiệp ở trong vùng. Khách có thể được đến thăm làng chè Đô Trám, xã Ba Trại, vào thăm các hộ nông dân nuôi bò, nuôi đà điểu; khách cũng có thể đến tìm hiểu văn hóa người Dao về cách làm thuốc từ thảo dược độc đáo của dân tộc này tại xã Ba Vì…
TS Ngô Kiều Oanh trước khi về hưu là cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ Việt Nam. Chuyên ngành nghiên cứu hệ thống của bà là một sự lạ lẫm đối với ngay cả trong giới khoa học. Hệ thống mà bà nghiên cứu có thể là làng, xã, huyện hay cả một xã hội. Còn du lịch nông nghiệp như một hệ thống cũng là một cái duyên và là cả một sự suy tư khoa học. Bố đẻ của bà là ông Ngô Tấn Nhơn, một trong những Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ NNPTNT) thời kỳ đầu tiên của nước ta đã để lại cho bà niềm say mê với nông nghiệp. Quá trình công tác hàng chục năm của bà cũng gắn với nông nghiệp và nhìn ra nhiều tiềm năng của ngành này.
Qua quá trình nghiên cứu, bà nhận ra rằng du lịch nông nghiệp đang là một trong những khuynh hướng du lịch quan trọng, hấp dẫn của thế giới. Không chỉ được sống trong một không gian văn hóa làng xã, mà khách khi tham gia du lịch nông nghiệp còn được trực tiếp tham gia sản xuất, thưởng thức các sản vật đặc thù của địa phương. Bà nói: “Hình thức du lịch này sẽ là cầu nối cho mối giao hòa giữa thành thị và nông thôn; chia sẻ giữa người giàu và người nghèo. Nó còn mang một ý nghĩa đặc biệt cho việc xây dựng nông thôn mới hiện nay”.
Lý thuyết là vậy nhưng ai đứng ra làm? Bà đã gửi nhiều tài liệu khoa học đến nhiều cấp chính quyền từ xã đến huyện và cả cấp trung ương để mong xây dựng một chính sách du lịch cho nông nghiệp. Nhưng những gì bà nhận được là một sự im lặng kéo dài.
Chờ đợi không được, bà xắn tay làm với những gì mình đang có. Từ năm 2008, sau khi về hưu, bà bán gần hết tài sản bà tích lũy ở trung tâm Hà Nội để lên khu vực Ba Vì để xây dựng mô hình. Đầu tiên, bà đầu tư Trang trại Đồng Quê để làm trung tâm điều hành, vừa là nơi nghỉ ngơi cho khách. Bà vận động các hộ nông dân tham gia với mình. Vận động không được, bà mua luôn một căn nhà, một khu ruộng để khách có điều kiện thực hiện những hoạt động đồng áng như cấy lúa; bắt cá…Dần dà, bà cũng kết nối được với các hộ trồng chè, hộ nuôi đà điểu. Đến làng người Dao, khó thuyết phục, bà vận động họ lập HTX thảo dược để cùng bà bắt tay hợp tác.
Việc điều hành cả một mô hình lớn như vậy cũng một tay bà lo liệu. Nhờ áp dụng những phần mềm, cách quản lý công việc theo tư duy hệ thống sẵn có, mọi việc trở nên dễ dàng. Một phần, bà dạy dỗ cho nhân viên cách tư duy, cách làm của một nhà khoa học. Bản thân bà, một cái rác rơi vãi, vứt không đúng chỗ, bà cũng nhanh tay nhặt bỏ đúng vị trí.
Nhưng sức người có hạn mà khát vọng khoa học còn nhiều. Mong mỏi của TS Oanh là thông qua mô hình thành công bước đầu của bà, Nhà nước cần đưa ra một chiến lược để phát triển một ngành du lịch mới mang tên du lịch nông nghiệp để có thể áp dụng cho nhiều địa phương khác nhau với mục đích cuối cùng để giúp nông dân đỡ khổ trên chính mảnh đất của mình.
Sỹ Lực