Ông Đinh Văn Phong, bản Tưn, xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu (Sơn La) tâm sự:
Đã bao năm qua, tôi luôn cố gắng để kể lại cho con, cháu mình và dân bản quanh đây về bản trường ca vĩ đại của dân tộc mình.
Cũng như người Mường khác trên khắp mọi miền đất nước, người Mường ở bản Tưn của tôi ít người còn nhớ được, giữ được những nét văn hoá Mường cũng như bản sử thi này. Nay tôi đã 77 tuổi, là người già nhất bản này. Mắt đã kém, tay đã run, chân bước đi không còn tự tin như trước nữa, nhưng nếu bất kể ai yêu cầu, tôi sẵn sàng thức trắng cả đêm để kể lại Đẻ đất - đẻ nước và những huyền thoại của người Mường. Có người bảo tôi sao cứ "kể mãi chuyện cũ để làm gì".
Ông Đinh Văn Phong. |
Lại có người bảo: "Bây giờ có nhiều cái hay trên tivi, trên mạng Intenet... kể sử thi thì ai muốn nghe". Với những người như vậy, tôi phải nói cho họ hiểu về cái hay, cái đẹp của sử thi này. Nó là tổng hợp văn hoá của người Mường ở một thời sơ khai khi lập đất, lập mường; là cuộc chiến đấu và chiến thắng của người Mường với tự nhiên, với những khắc nghiệt, thách thức của cuộc sống. Cứ nghe thật kỹ một đêm đi, sẽ thấy sử thi này hay mãi và quý giá vô cùng.
Ấy vậy nhưng mỗi lần tôi kể sử thi này, vẫn còn nhiều người nghe lắm. Họ bảo nhau: "Lạ cho cái ông Phong này, chỉ uống cà phê, nước chè mà thức được cả đêm để kể chuyện. Khoẻ thật". Nhưng họ không biết rằng tôi kể sử thi của người Mường không phải là nhờ sức khoẻ tốt vì tôi già, yếu lắm rồi. Tôi kể sử thi là bởi muốn giữ hồn cho con cháu mình, cho dân tộc mình. Tôi khoẻ hơn khi kể chuyện là bởi cái hồn của văn hoá người Mường hoà nhập vào tôi. Khi ấy tôi đang làm trách nhiệm của một thế hệ người Mường đi trước với các thế hệ đi sau.
Tôi muốn người Mường phải biết rằng tổ tiên mình trước đây đã sống như thế nào, đã giành được những vinh quang ra sao để có được lớp người Mường tiếp theo. Từ đó, lớp con cháu sau này phải nhớ lấy, giữ lấy như giữ cơm ăn, áo mặc của mình; phải sống sao cho xứng đáng với tổ tiên, với dân tộc và thời đại.
Kiều Thiện (ghi)