Dân Việt

Công nhân bị nợ lương: Khốn khổ trăm bề

08/10/2012 06:34 GMT+7
(Dân Việt) - Công ty phá sản, nợ lương đã đành, đằng này công ty vẫn hoạt động nhưng cũng nợ lương. Tiền không có mà vẫn phải đi làm nên cuộc sống của công nhân khổ trăm bề...

Đó là lời than của nhiều công nhân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, trước tình trạng khó khăn, thiếu thốn đủ bề do bị nợ lương.

img
Chị Lâm với nỗi lo lương bị nợ, cuộc sống thiếu thốn.

Dài cổ chờ lương !

Ngày 5.10, chúng tôi tới thăm phòng trọ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lâm, công nhân Công ty TNHH N.M (phường Minh Khai, TP.Hưng Yên) đúng lúc vợ chồng chị đang ăn cơm trưa. Mâm cơm có vài con tép với đĩa rau muống luộc. Quê ở Thái Bình, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cách đây 2 năm, vợ chồng chị Lâm sang Hưng Yên tìm việc.

Chị làm cho một công ty tư nhân sản xuất nhựa nhiệt dẻo với mức lương 2,6 triệu đồng/tháng, chồng đi phụ hồ. Từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp khó khăn, hàng hóa không bán được, vì thế lương tháng 4, tháng 5, công ty chỉ trả được 50%, từ tháng 6 tới nay, công ty chưa trả được đồng nào.

Khó khăn hơn chị Lâm, chị Hoàng Thị Nga (công nhân một công ty may mặc ở Phố Nối, Hưng Yên) có chồng bị bệnh viêm phổi đang nằm viện, hai con còn nhỏ trông chờ cả vào đồng lương của chị. Cách đây mấy hôm công ty thông báo giải thể, sau một thời gian nợ lương công nhân. Chị Nga cũng như nhiều lao động khác chưa được ký hợp đồng lao động, vì thế những quyền lợi về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp... không có.

Không chỉ Hà Nội, Hưng Yên mà ở nhiều vùng khác, tình trạng lao động bị nợ lương cũng khá phổ biến.

Rối bời chính sách

Trước thực tế này, cuối tháng 8.2012, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ lao động (LĐ) bị mất việc làm, bị nợ lương không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Ngày 24.9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện theo hướng UBND cấp tỉnh ứng ngân sách địa phương trả lương cho LĐ. Nguồn này sẽ được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Vững - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TP.Cần Thơ cho biết, thường chủ sử dụng LĐ đã bỏ trốn thì tài sản còn lại cũng không đáng kể để trả lương và các chế độ cho hàng trăm, hàng ngàn công nhân. Trong khi đó, những người bị nợ lương khó có thể tìm được việc làm mới để trụ lại chờ “đòi” được lương mà tản mát làm các nghề tự do.

Theo Bộ LĐTBXH, hiện có tới 500 - 600 doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn đang nợ lương, nợ BHYT, BHXH, BH thất nghiệp của LĐ. Trong đó riêng Đồng Nai có khoảng 40 doanh nghiệp thuộc diện này.

Ông Vững nói: “Kể từ tháng 7 trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng LĐ giảm khủng khiếp, giảm tới gần 60%. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các tập đoàn, tổng công ty nhu cầu tuyển dụng còn khoảng 2% (so với cùng kỳ các doanh nghiệp nước ngoài giảm 80%)”. Ngoài ra, công nhân thì lo ngại, với những doanh nghiệp có chủ sử dụng LĐ bỏ trốn, ai sẽ đứng ra đòi quyền lợi, đòi lương và làm các thủ tục cho LĐ nhận lương và các chế độ khác.

Ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho biết thêm, năm 2009 sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Quyết định 30 đã có trên 200 doanh nghiệp làm thủ tục vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thanh toán các khoản nợ đối với LĐ, nghĩa là họ còn có chỗ có sẵn tiền để tháo gỡ khó khăn. Hiện, nguồn hỗ trợ trông vào ngân sách địa phương, nhưng việc phê duyệt ngân sách đã thực hiện từ đầu năm, đây là khoản phát sinh, một số tỉnh khó khăn sẽ khó có nguồn thực hiện.