Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, vừa qua điều hành chính sách vĩ mô tạo hiệu quả tích cực tuy nhiên vẫn còn dư luận trái chiều đánh giá về khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, lãi suất cho vay, xử lý nợ xấu, quản lý thị trường vàng.
Ảnh minh họa từ internet |
Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết: Về trọng tâm NHNN đã triển khai các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thông qua chính sách tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát khó khăn của doanh nghiệp, cơ cấu lại thời hạn nợ của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp rất đa dạng, không chỉ là lãi suất, ở một số địa phương còn là nợ đọng xây dựng cơ bản”, bà Hồng cho biết.
Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ tín dụng cũng cho biết thêm: Theo chỉ đạo, NHNN chỉ đạo dành vốn cho đối tượng ưu tiên - khẳng định vốn không thiếu cho nền kinh tế. Đồng thời chỉ thị cho ngân hàng gia hạn, giãn, hoãn cho các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận tín dụng; kiềm chế lạm phát tốt nên có điều kiện hạ lãi suất nhanh; tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ cho chăn nuôi, thủy sản; triển khai dự trữ 1 triệu tấn lương thực nhanh.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ tín dụng thì khó khăn của doanh nghiệp không hẳn là vốn mà là hàng tồn kho, lòng tin thị trường...
Để kinh tế “ảo” lớn hơn kinh tế thật quá nhiều
Tại buổi họp, các chuyên gia kinh tế đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến lãi suất, nợ xấu…để cùng NHNN tháo gỡ, tìm giải pháp để cải thiện những khó khăn, trì trệ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
TS.Vũ Đình Ánh cho biết: Nền kinh tế đang rất khó khăn và doanh nghiệp là người lính trên mặt trận khó khăn đó. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do ngân hàng nhà nước. NHNN có trách nhiệm lớn nhất liên quan đến lạm phát, nếu để cứu doanh nghiệp không nên trông đợi quá nhiều vào NHNN.
“Với vấn đề nợ xấu việc thành lập VAMC chỉ là một phần công cụ. Cần giải lại bài toán lớn hơn, tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta cũng không nên tập trung quá nhiều vào vấn đề phụ là vấn đề vàng”, TS Vũ Đình Ánh bày tỏ quan điểm.
Nếu không phân tích sâu thì rốt cuộc không cứu được ai. Cứu doanh nghiệp cần phải xác định mục tiêu, cứu để sống chứ không phải để chết. “Sai lầm đã để nền kinh tế ảo lớn hơn nền kinh tế thực quá nhiều”,TS Ánh nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng chênh lệch lãi suất tại sao cao thế? Tôi thì thấy lãi suất hiện nay không còn là yếu tố quyết định, nhiều DN nói có hạ xuống 0% cũng không vay. DN chủ yếu vay dài hạn, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn lưu động tự có của doanh nghiệp.
“Không hiểu sao NHNN với tư cách cơ quan quản lý không chứng minh được là lãi suất đang không cao”, TS Ánh nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề chênh lệch lãi suất,TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nếu không giải quyết nợ xấu thì không giải quyết được bài toán lãi suất. Lãi suất đầu vào và ra không có sự bất hợp lý. Đây là 2 điểm không đồng ý. Chênh đầu vào và ra, nếu lãi bình quân đầu vào NH đâu đó khoảng 7%, lãi suất đầu ra đâu đó là 13%. 13% trừ 7% là 6%, đây là mức chênh lãi suất bất hợp lý. Nếu tiếp tục sử dụng mức chênh lệch này thì các NH sẽ không tồn tại được lâu. Chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra chỉ khoảng 2%-3% phổ biến ở nhiều nước như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc …
Về thị trường vàng, TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng: Thị trường vàng đang rối, thành công được bước đầu đảm bảo được cung cầu, cung ra thị trường để không gây sốt giá, đảm bảo không có đầu cơ, găm hàng. Tuy nhiên, còn chênh lệch giá, huy động vàng trong dân thành vốn quốc gia vẫn chưa hiệu quả.
Phương Hà