Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết Tokyo đang cân nhắc các kế hoạch nhằm xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh bằng việc thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông, trong khi vẫn bảo lưu lập trường rằng “không tồn tại tranh chấp lãnh thổ chính thức nào” đối với quần đảo này. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần hối thúc Nhật Bản công nhận sự tồn tại của tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Kế hoạch trên đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ có đôi chút thỏa hiệp với Trung Quốc mà không thay đổi lập trường từ lâu của mình. Bắc Kinh vốn kêu gọi Tokyo thừa nhận sự tồn tại bất đồng liên quan đến quần đảo Senkaku do phía Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hiện chưa rõ liệu động thái này của Nhật Bản có là động lực để Trung Quốc cải thiện mối quan hệ tồi tệ giữa 2 nước hay không.
Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc đã bày tỏ sự không hòa thuận với Nhật Bản khi Chính phủ Trung Quốc sẽ không cử các nhà lãnh đạo tài chính cấp cao nhất của họ tới dự các cuộc họp của Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Tokyo trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước xung quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gia tăng. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Xie Xuren và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan đã hủy chuyến đi Nhật Bản, bất chấp hy vọng của các quan chức ở Tokyo rằng họ sẽ tham gia sự kiện này.
Phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị sẽ do Thứ trưởng Tài chính Zhu Guangyo và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang dẫn đầu.
Quyết định trên của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cuộc đối thoại giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Hai nước gần đây đã đạt thỏa thuận về một loạt các hiệp định kinh tế và tài chính, trong đó có việc trao đổi trực tiếp giữa đồng yen và đồng NDT, một hành động nhằm bỏ qua đồng USD để bảo vệ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu 2 nước khỏi bất cứ sự bất ổn nào trong tỷ giá hối đoái.
Hạ Anh (tổng hợp)