Tuy nhiên, nhiều nông dân lại không nghĩ như vậy...
Sản lượng cà phê giảm 20%
Cách đây một tháng, khi sắp bước vào vụ thu hoạch mới, ông Nguyễn Xuân Tú ở xã Ea Yông, huyện Krông Păk, Đăk Lăk, mới bán toàn bộ số cà phê thu được trong niên vụ 2011 - 2012.
Nông dân Đăk Lăk vừa kết thúc một niên vụ cà phê được mùa, được giá. |
Ông Tú cho biết: “Nhà có 2ha cà phê, do không cần tiền gấp nên tôi để toàn bộ 7 tấn đến cuối vụ mới bán, giá 40 triệu đồng/tấn. Trừ hết chi phí, còn lãi khoảng 40%”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tăng - chủ đại lý cà phê ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) thì nông dân bán ra rất cầm chừng khiến các đại lý tưởng cà phê mất mùa, đến hết vụ mới biết sản lượng cà phê vượt trội so với năm trước.
Theo nhiều nông dân ở Đăk Lăk, so với các năm trước, giá cà phê không cao hơn nhưng khá ổn định. Mặt khác do thời tiết thuận lợi, cà phê được mùa nên phần lớn nông dân đều có lãi.
Ông Nguyễn Xuân Thái - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Thắng Lợi cũng cho biết: “Sản lượng cà phê của công ty trong vụ vừa rồi là 6.000 tấn, cao hơn năm trước khoảng 15%, cá biệt có những vườn cà phê đạt năng suất 4,5 tấn/ha”.
Còn theo thống kê của Sở NNPTNT Đăk Lăk, với 200.193ha, sản lượng cà phê toàn tỉnh vụ vừa qua đạt 487.000 tấn, trong đó 80% thuộc về các nông hộ.
Niên vụ 2011-2012 coi như ngành cà phê thắng lợi, nhưng năm 2012- 2013 được dự báo sẽ gặp khó khăn. Và đây cũng là lý do để Vicofa đề xuất Chính phủ và các ngân hàng hỗ trợ để tạm trữ 300.000 tấn. Theo Vicofa, niên vụ tới sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm khoảng 20%. Nguyên nhân là thời tiết không thuận lợi, tỷ lệ cây cà phê già cỗi hơn 30% cùng với giá vật tư, phân bón, nhân công… tăng mạnh. Mặt khác, niên vụ 2012 – 2013 lại mưa đúng thời điểm cà phê ra hoa khiến cho lớp hoa đầu tiên đã bị hỏng hết khiến sản lượng cà phê giảm mạnh.
Theo Bộ NNPTNT, xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm đạt 96.000 tấn, với giá trị đạt 171 triệu USD, nâng tổng lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm ước đạt 1,36 triệu tấn, kim ngạch 2,85 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 36,8% về lượng và 29,8% về giá trị. Tuy nhiên, giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm chỉ đạt 2.119 USD/tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, giá cả cũng là một thách thức của ngành cà phê trong thời gian tới...
Nên để nông dân tạm trữ
Về đề xuất tạm trữ 300.000 tấn cà phê của CLB 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, trao đổi với NTNN ngày 9.10, ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch Vicofa cho biết: “Theo dự báo, niên vụ thu hoạch cà phê 2012-2013 sẽ bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 10 đến hết tháng 12, song chủ yếu thu hoạch rộ vào tháng 12. Do chỉ thu hoạch trong một thời gian ngắn, người dân dân thường thiếu các trang thiết bị công nghệ để chế biến, phơi, bảo quản… nên sẽ bán ra với số lượng lớn trong một thời gian ngắn thu hoạch”.
Cũng theo ông Hải, thực tế cho thấy, từ trước tới nay, người dân luôn có tâm lý bán sản phẩm ngay sau khi thu hoạch để có tiền chi phí sản xuất, trả nợ mua phân bón, thuốc trừ sâu, tiền nhân công, nợ ngân hàng… Vì thế, lượng cà phê bán ra trong cùng một thời điểm rất lớn, dẫn tới giá cà phê thời điểm chính vụ hay bị sụt giảm về giá.
“Việc đề xuất các ngân hàng hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi, qua đó sẽ tạm trữ cà phê để bán rải rác vào các tháng trong năm, đảm bảo được giá cao hơn” - ông Hải nói.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, nhiều người trồng cà phê tỏ thái độ không mấy quan tâm đến vấn đề tạm trữ. Ông Lê Huy Thành ở xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, Đăk Lăk cho biết:
“Nhà nước cho doanh nghiệp vay ưu đãi để tạm trữ cà phê, đến khi giá lên thì họ hưởng lợi, còn nhà nước và nông dân thì không được gì, đứng ngoài cuộc chơi. Gia đình tôi cũng tạm trữ cà phê mấy năm nay, nhiều thời điểm rơi vào khó khăn nhưng không thấy ai hỗ trợ”.
Còn Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Thắng Lợi Nguyễn Xuân Thái thì phân tích: “CLB 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam là những nhà buôn lớn, dĩ nhiên họ cần vốn lớn. Nhưng khi giá lên thì họ được hưởng lợi nhờ tạm trữ chứ không phải nông dân, bởi quan hệ giữa họ với nông dân là quan hệ mua đứt, bán đoạn”.
Theo ông Thái, vài năm gần đây, giá cà phê khá ổn định là do nông dân đã bắt đầu tham gia điều tiết thị trường. Khi nông dân bán ít, các nhà xuất khẩu phải bán cầm chừng, giá cà phê không thể giảm xuống được. Vì vậy khuyến khích nông dân tạm trữ cà phê là thiết thực nhất.
Còn ông Trịnh Tiến Bộ - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Đăk Lăk cho rằng: “Mục đích tạm trữ để giữ giá cà phê là tốt, nhưng phải có quy định rõ ràng để chia sẻ lợi ích, chỉ khi nào người trồng cà phê được hưởng lợi thì việc tạm trữ mới thực sự có ý nghĩa”.
Đồng Nguyên - Thanh Xuân