Các thành viên trong gia đình cụ xem 2 cuốn sách này là vật quý của gia đình.
Ở tuổi 85, đôi tai đã "nặng" nhưng cặp mắt cụ vẫn tinh anh để đọc từng dòng chữ Lai Tay và quốc ngữ, cái tay vẫn vững khi cầm bút, đôi chân còn đủ khỏe để dạo khắp bản, khắp làng.
Bị quy thành phần vì giữ sách cổ
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những tài liệu viết bằng chữ Thái cổ, cụ Quốc vào buồng lấy ra 2 cuốn sách đã chuyển màu, một vài tờ bị rách, gáy sách đã sờn và lỏng. Đặt sách giữa bàn, cụ nói: "Trước tôi có nhiều sách hơn nhưng bị hư hết, giờ chỉ còn 2 cuốn này".
Mỗi cuốn sách dày khoảng 200 trang viết bằng chữ Thái cổ, mỗi trang có 8 dòng. Chữ viết thẳng hàng, nét chữ mềm mại, uốn lượn. Cụ Quốc tâm sự: "Những cuốn sách này gắn bó với tôi từ lúc còn rất nhỏ, vì cụ nội, ông nội, thân sinh của tôi là những bậc trí thức ở vùng đất Cắm Muộn này" (xã Quang Phong tách ra từ xã Cắm Muộn- PV).
Từ nhỏ, cụ Quốc được gia đình cho theo học chữ quốc ngữ. Năm 12 tuổi, cha cụ qua đời, trước lúc về cõi Mường Then (Mường Trời), ông dặn dò đứa con trai: "Bằng mọi giá con phải giữ được những cuốn sách này cho con cháu đời sau!".
Từ đó, cậu bé Lang Văn Quốc quyết tâm học chữ Thái để đọc những cuốn sách này và giữ gìn "hồn cốt" của tổ tiên. Hễ ai biết chữ, dù nhiều dù ít cậu đều tìm đến nhờ dạy. Cứ thế, năm này qua năm khác, vốn chữ Thái của cậu đủ để đọc hết tập sách ông cha để lại.
"Có lúc, vì lưu giữ những cuốn sách cổ mà tôi bị quy thành phần địa chủ- phong kiến. Nhưng rồi mối oan được giải, tôi còn được Nhà nước tặng thưởng nữa"- cụ Quốc chỉ lên tường nhà, nơi tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, treo ở vị trí trang trọng.
Hy vọng nét chữ hồi sinh
Hai trang trong cuốn sách chữ Thái cổ. |
Hỏi về nội dung 2 cuốn sách quý, cụ Quốc cho biết, cuốn thứ nhất ghi lại những câu chuyện lưu truyền trong đời sống dân gian. Cuốn thứ hai, cụ còn nhớ khá rõ nội dung. Cuốn này chép lại truyện thơ "Tống Trân- Cúc Hoa", một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi thời kỳ trước cách mạng, được nhiều người yêu thích. Lục tìm chiếc kính lão, cụ đọc cho chúng tôi nghe một đoạn khá dài trong cuốn sách thứ 2.
Chúng tôi hỏi: "Theo cụ, có nên mở các lớp phổ biến chữ Thái cho con em người Thái không?". Cụ trả lời ngay: "Con em người Thái nên biết ít nhiều chữ dân tộc mình, vì trong đó cũng có nhiều điều hay, bổ ích. Nghe nói gần đây anh Lô Khánh Xuyên ở Quế Phong, anh Sầm Văn Bình ở Qùy Hợp, bác Lô Văn Thoại ở Tương Dương mở các lớp dạy chữ Thái, tôi mừng lắm. Tiếc rằng tuổi tôi già rồi, không thể cùng mọi người giúp thế hệ con cháu tìm về với nét chữ tổ tiên. Hy vọng một ngày không xa, chữ Thái sẽ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cho con em vùng dân tộc Thái".
Cụ Lang Văn Quốc được Nha Bình dân học vụ cấp Giấy chứng nhận về thành tích trong công cuộc chống mù chữ ở địa phương. Cụ từng là Trưởng đoàn Thanh niên xã Cắm Muộn, giáo viên bình dân học vụ, Đại đội trưởng du kích, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính, Chủ tịch kiêm Bí thư chi bộ xã, Uỷ viên UB Mặt trận Tổ quốc huyện Quế Phong; nhiều năm liền được công nhận “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”...
Công Kiên