Bên cạnh lý do thuần túy ở suy tính lợi ích của hai phía, còn có lý do ở chỗ Mỹ dọa sẽ lại triển khai bố trí quân đội Mỹ ở châu Á, nếu Trung Quốc không phát huy ảnh hưởng đặc biệt đối với Triều Tiên, để ép nước này đi vào đối thoại và đàm phán trực tiếp với Hàn Quốc, sau khi tình hình đã trở nên căng thẳng.
Đương nhiên, một khi Trung Quốc thuyết phục được Triều Tiên làm như vậy thì Mỹ cũng sẽ sử dụng vị thế và ảnh hưởng của Mỹ đối với Hàn Quốc, để ép nước này nhanh chóng chấp nhận đề nghị đối thoại của Triều Tiên.
Nghe đơn giản vậy thôi, nhưng thực chất thì đó là một cú đòn hiểm của Mỹ đối với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tận dụng chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào để ngả ra con bài ấy theo cách coi đó là một khả năng, chứ chưa phải là chủ định, dùng viễn cảnh để răn đe Trung Quốc chứ không đặt Trung Quốc trước sự đã rồi.
Việc Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự trong thời gian vừa qua ở khu vực Đông Bắc Á đã đủ để khiến Trung Quốc phải lo ngại. Nếu Mỹ giờ bố trí chiến lược lại ở cả châu Á thì sẽ lại càng phiền hơn và mọi chuyện xung quanh Đài Loan sẽ còn trở nên phức tạp hơn đối với Trung Quốc. Trung Quốc vì thế phải giúp Mỹ đối phó với Triều Tiên.
Đòn hiểm thật đấy, nhưng cũng bất đắc dĩ đối với Mỹ vì họ chưa tìm ra được lối thoát khỏi tình thế bế tắc trong quan hệ với Triều Tiên nói chung, và trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nói riêng.
Triệu Anh Túc