Dân Việt

Người phụ nữ giải thoát hàng ngàn cô gái điếm

13/10/2012 06:26 GMT+7
(Dân Việt) - Người phụ nữ từng bị bán làm nô lệ tình dục này tâm sự: "Tôi không có ý định cứu vớt cả thế giới, chỉ là muốn thay đổi số phận của một cô gái. Và số phận của một cô gái khác. Và thêm một cô gái khác nữa...".

Tháng 10 cách đây ba năm, Somaly Mam về thăm quê hương sau 16 năm xa cách. Cô đã là một phụ nữ khác hẳn so với ngày nào là một cô gái bị bóc lột tình dục ở Campuchia. Nay mang quốc tịch Pháp và đang điều hành một tổ chức thiện nguyện giúp đỡ các nạn nhân bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục.

Trong một bệnh viện tồi tàn ở thủ đô Phnom Penh, Somaly bước đến giường bé gái Sreytouch, 5 tuổi. Đứa bé hoảng sợ trước người lạ, ghì chặt con gấu bông. Cách đây hai ngày, cảnh sát đã giải cứu bé từ một nhà thổ do chính mẹ ruột bán vào đó.

Somaly biết phản ứng ra sao. Người phụ nữ dáng gầy, ánh mắt nồng ấm, đưa tay ẵm đứa bé, cố kìm nước mắt, đu đưa đứa bé, thì thầm: "Cô thương cháu lắm! Sreytouch". Somaly cảm nhận rất rõ đứa bé cần tình thương biết chừng nào. Bởi chính cô đã từng trải qua những ngày tháng thơ ấu đầy bất hạnh.

img
Somaly với các cô gái được cứu thoát khỏi các tổ quỷ

Tuổi thơ bất hạnh

Somaly không có chút ký ức gì về bố mẹ mình. Bố mẹ cô đã mất tích lúc cô khoảng 4 tuổi. Đó là vào giữa những năm 1970, trong thời chế độ diệt chủng Pol Pot nắm quyền và sát hại hàng triệu người dân Campuchia. Cô bé mồ côi sống qua ngày nhờ lòng tốt của các người dân ở ngôi làng Bou Sra, nằm sâu thẳm trong các khu rừng tỉnh Mondulkiri.

Ngày nọ, một già làng gọi cô đến giới thiệu với một người đàn ông lớn tuổi, bảo rằng ông ta biết bố mẹ cô đang ở đâu. Thế nhưng người này dẫn cô đi bộ băng rừng nhiều ngày về nhà hắn ở một ngôi làng sát biên giới Việt Nam. Cô lo việc nấu nướng, giặt giũ. Người đàn ông tối ngày uống rượu. Cuối cùng hắn bán cô cho một nhà thổ ở Phnom Penh để lấy tiền trả nợ. Somaly lúc đó 16 tuổi.

Somaly từ chối ngay từ khách chơi đầu tiên buộc cô cởi quần áo. Đám ma cô nổi giận, lôi cô xuống một căn hầm, nhốt vào "phòng trừng phạt", cho rắn bò lên người. Cô la hét trong đêm tối. Sáng hôm sau khi được đưa ra ngoài, cô mất hết ý thức chống cự. Những năm tiếp theo, Somaly phải "tiếp" hàng ngàn đàn ông. Bất cứ cô gái nào đã vào nhà thổ này mà tỏ ý kháng cự sẽ được đưa vào "phòng trừng phạt" hoặc bị đánh bằng roi điện. Có muốn chạy trốn cũng không biết chỗ nào an toàn.

Một đêm, trong khi Somaly và các bạn đang ngủ, người chồng tên Li của tú bà xăm xăm vào phòng, tay phải lăm lăm khẩu súng lục, miệng sặc mùi rượu. Hắn la toáng: "Con bé đâu?". Một cô gái 15 tuổi tên Sreyoun mới vào nhà thổ đã chạy trốn hụt. Somaly kinh hãi nhìn người đàn ông nhảy bổ vào cô gái, bẻ quặp đôi tay ra sau, dí súng sát thái dương.

Một phát súng lạnh lùng vang dội. Sreyoun té gục xuống đất. Li bồi thêm hai phát trên xác cô gái đã chết. Kể từ hôm đó, Somaly tự hứa sẽ bắt người đàn ông này đền tội. Lòng cô tràn ngập nỗi thù hận người chồng của mụ tú bà, pha trộn niềm thương cảm những người bạn gái đồng cảnh ngộ.

Hành động vì phụ nữ

img
Somaly là bà mẹ tinh thần của nhiều bé gái Campuchia

Thời gian qua đi, Somaly có chút tự do đi lại. Cô gặp Pierre Legros, một nhân viên cứu tế xã hội người Pháp, biết nói tiếng Campuchia. Cô tâm sự với chàng trai nước ngoài về cuộc đời mình, về ý định bỏ trốn, về số phận hàng trăm cô gái đang bị giam cầm. Cô nghẹn ngào kể lại cái đêm Sreyoun bị giết. Pierre thương cảm Somaly.

Năm 21 tuổi, "giá hàng" của cô sút giảm dưới con mắt các ma cô. Somaly có thể dọn đến nhà chung sống với Pierre. Hai người mở một nhà hàng ở Phnom Penh. Công việc thua lỗ. Pierre quyết định về nước và tổ chức đám cưới với Somaly năm 1993.

Năm 1996, một năm sau khi sanh đứa con đầu lòng, vợ chồng Somaly thành lập tổ chức từ thiện mang tên AFESIP (Hành động vì các phụ nữ có hoàn cảnh bấp bênh). Đến nay, tổ chức này đã giải cứu được hơn 5.000 thiếu nữ từ các nhà thổ Campuchia. Somaly còn vận động thành lập ba nhà mở, hiện cưu mang hơn 200 cô gái không chốn dung thân.

Tháng 3 năm nay Somaly Mam lại hồi hương lần nữa. Đi qua một nhà thổ nổi tiếng nay đã bị đóng cửa nhờ nỗ lực can thiệp của AFESIP với chính quyền thành phố Phnom Penh, Somaly nhớ đến Malis, một cô gái mới được giải cứu.

Chỉ mới 11 tuổi, cô bé bị dì ghẻ bán cho một người nước ngoài với giá 1.000USD. Malis bị nhốt chung phòng với người đàn ông suốt một tuần lễ trước khi được cứu. Vì khách này tin bỏ tiền ngủ với một gái trinh sẽ phục hồi hoàn toàn sức lực. Điều kinh khủng là cũng như Malis, nhiều cô gái khác đã được "may" lại trước khi được đem bán như là các cô gái còn trinh.

Cuộc chiến đấu bất tận

img
Sách của Somaly: Con đường của tuổi thơ bị đánh cắp

Somaly Mam tự hiểu cuộc chiến đấu của mình là bất tận. Những tay buôn gái luôn rảo quanh các làng mạc Campuchia, dụ dỗ các cô gái ngây thơ, hứa hẹn tìm cho một công việc nhẹ nhàng lương cao ở thành phố. Như câu chuyện của Sambo.

Lúc cô 18 tuổi, có người cò mồi hứa sẽ đưa cô vào làm việc trong một nhà hàng ở Phnom Penh để có tiền trả nợ cho gia đình. Thực tế, cô bị bán cho một khách hàng người Hoa cần một gái trinh với giá 500USD. Cô làm nô lệ tình dục hai năm trong một nhà thổ trước khi được giải cứu. Hiện Sambo đang làm tham vấn cho AFESIP.

Những cô gái thoát nạn được đưa về một trong ba nhà mở của AFESIP, được đào tạo văn hóa và nghề nghiệp. Sau đó tổ chức giúp họ tái hòa nhập với xã hội bằng cách giới thiệu một việc làm hoặc hỗ trợ một ít vốn làm ăn riêng. Khoảng 80% các cô gái điếm đã không bao giờ quay trở lại nghề cũ. Hàng ngàn cô gái Campuchia đã được đổi đời nhờ Somaly Mam.

Điển hình như cô gái Malis bị bán trinh ngày nào. Cô bé có nụ cười duyên dáng, cặp mắt tinh anh, đang sống ở nhà mở Kampong Cham, miền bắc Campuchia. Malis ấp ủ ước mơ lớn lên trở thành một nhà báo, xâm nhập vào các nhà thổ để tìm hiểu các cô gái bị đày đọa ra sao, có như mình trước đây?

Năm nay 45 tuổi, Somaly Mam chia tay chồng năm 2007, hiện đơn thân điều hành tổ chức thiện nguyện AFESIP. Người phụ nữ luôn nở nụ cười rạng rỡ làm việc không mệt mỏi với thiện chí và lòng quyết tâm cứu vớt các cô gái Campuchia thoát khỏi nanh vuốt những con thú mafia trong các mạng lưới buôn bán gái trinh.

Gần đây cô tâm sự trên tờ Sélection của Pháp: "Tôi không thể không nghĩ đến những cô gái này, những nạn nhân bị bán làm nô lệ tình dục cũng như tôi trước đây. Tôi không có ý định cứu vớt cả thế giới, chỉ là muốn thay đổi số phận của một cô gái. Và số phận của một cô gái khác. Và thêm một cô gái khác nữa...".

Cựu đại sứ Mỹ ở Campuchia, ông Joseph Mussomeil mô tả Somaly là "một nữ anh hùng đích thực, một nữ chiến binh không mệt mỏi, trọn đời cống hiến vì lẽ sống các trẻ em". Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Angelina Jolie, người từng nhận nuôi một trẻ em Campuchia, ca ngợi lòng quả cảm của Somaly : "Sự kiện cô ta thoát ra khỏi nhà thổ là một điều kỳ diệu. Nhưng kỳ diệu hơn khi cô ta xung phong quay trở lại các nhà thổ để giải cứu các cô gái".

Theo Thế giới & Hội nhập